Hồi tháng 5, giám đốc Viện Nghiên cứu Không gian (GISS) Gavin Schmidt đã nói rằng 99% năm 2016 sẽ thiết lập kỷ lục mới về nhiệt độ do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.
Trong tháng 7 – thường được xem là thời điểm nóng nhất trong năm, NASA ghi nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục so với giai đoạn 1951-1980: nóng hơn 0,84 độ C. Với tình hình lượng khí thải toàn cầu tiếp tục gia tăng, nhiệt độ trái đất khó có thể hạ thấp ít nhất là từ nay cho đến cuối năm. Vì vậy, NASA khẳng định về cơ bản, năm 2016 là năm nóng nhất trong lịch sử.
Còn theo dữ liệu của GISS, tháng 9 vừa rồi là tháng 9 nóng nhất trong 136 năm trở lại đây mặc dù chỉ chênh 0,004 độ C so với tháng 9-2014.
Nhà khoa học chuyên nghiên cứu về khí hậu Jeremy Shakun đến từ Trường CĐ Boston cho biết có thể nhiệt độ sẽ tăng thêm 1,25 độ C vào năm tới, qua đó thiết lập kỷ lục mới. Chuyên gia về khí hậu này cũng lưu ý rằng sự kiện El Nino gần đây là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ năm 2016 tăng cao. Ông cảnh báo điều quan trọng là xu hướng nóng lên trong dài hạn.
So với thoả thuận biến đổi khí hậu Paris – vốn đề xuất hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, con số 1,25 độ C được xem là gần đạt ngưỡng nguy hiểm và không thể không chú ý.
Trong khi đó, lượng CO2 trong khí quyển do đài quan sát Mauna Loa ghi lại cho thấy đã vượt quá 400 ppm – mức kỷ lục thiết lập hồi năm 2013. Một lần nữa, tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu và khí thải CO2 vượt ngưỡng an toàn lại làm dấy lên lo ngại về cuộc sống của thế hệ trẻ trên trái đất trong tương lai.
Bình luận (0)