Tìm kiếm trong kho dữ liệu hơn 200.000 hình ảnh được ghi lại bởi Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA và thực hiện hàng chục ngàn phép đo, các nhà khoa học đã xác định một thứ đáng giật mình: Một màng ánh sáng ma quái, có thể như một chiếc bong bóng, đang nuốt trọn cả hệ Mặt Trời.
Theo SciTech Daily, đó là một lớp ánh sáng mờ nhạt và ma quái - y hệt khi bạn bước vào một căn phòng tối đen và thấy các bức tường đang phát ra ánh dạ quang mờ.
"Bóng ma ánh sáng" bao vây lấy hệ Mặt Trời có thể là một lớp vỏ bụi dày - Ảnh: NASA/ESA/STScI
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Viện khoa học Kính viễn vọng không gian, là trung tâm đang điều hành một số sứ mệnh kính viễn vọng không gian của NASA như Hubble, James Webb, Nancy Grace Roman của NASA. Họ kết luận rằng đó có thể là một lớp vỏ bụi bao phủ hệ Mặt Trời và dày đến mức lan tới tận Sao Diêm Vương.
Ánh sáng trong lớp này được phân bố rất trơn tru và các nguồn sáng phổ biến như các ngôi sao khác, thiên hà, hành tinh... đều đã được loại bỏ. Điều này đưa đến một nguồn gốc thú vị: Khí thải từ các sao chổi giá băng đang bay tự do ở các khu vực này, bị thăng hoa một phần do sức nóng từ Mặt Trời.
Lượng sáng này rất thấp, mà theo NASA mô tả là giống như bạn đang nhìn vào 10 con đom đóm cùng tỏa sáng trên khắp bầu trời.
Các nhà khoa học đang cố làm việc để xác định giả thuyết trên. Nếu được xác thực, vỏ bụi này sẽ là một cấu trúc bổ sung thú vị được thêm vào mô hình hệ Mặt Trời.
Ý tưởng này được củng cố bởi một phát hiện vào năm 2021 của New Horizons, tàu khám phá Sao Diêm Vương của NASA. Sau khi hoàn thành mục tiêu ban đầu nó đã tiếp tục bay đi xa và phát hiện một vùng sáng mờ ảo, ma quái khi nhìn vào không gian giữa các vì sao phía trước.
Các nghiên cứu về "bóng ma ánh sáng" này vừa được công bố trên hai tạp chí khoa học The Astronomical Journal và The Astrophysical Journal Letters.
Bình luận (0)