Sao Wolf–Rayet là dạng sao hiếm không đồng nhất, quang phổ bất thường cho thấy sự hiện diện cực lớn của các nguyên tố nặng trên bề mặt, hoàn toàn không có hydro và có gió sao mạnh. Chúng khổng lồ và cực nóng so với các ngôi sao khác, cũng như liên tục phun khí và bụi ra xung quanh.
Chúng hiếm đến nỗi được coi gần như là một "quái vật trong truyền thuyết", còn mang đầy bí ẩn. Các nghiên cứu gần nhất cho thấy dạng sao này thực ra là một bước trong quá trình tiến hóa của các ngôi sao siêu khổng lồ, trước khi trở thành siêu tân tinh.
WR 124 ngoạn mục và ma mị trong hình ảnh được NASA công bố hôm 14-3 - Ảnh: NASA/ESA/CSA/STScl
Theo tờ Space, kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb (điều hành chính bởi NASA, hỗ trợ bởi các cơ quan vũ trụ châu Âu - Canada là ESA và CSA) đã tìm thấy một báu vật rõ ràng và ngoạn mục trong chòm sao Nhân Mã.
Trong hình ảnh và clip mới nhất mà NASA vừa công bố, ngôi sao quái vật đang trong quá trình loại bỏ dần các lớp bên ngoài của chúng, nên được bao quanh bởi các quầng khí và bụi đặc trưng của dạng sao này.
Ngôi sao Wolf-Rayet mới được đặt tên là WR 124, lớn khoảng 30 lần so với Mặt Trời và đã phun một khối lượng khí bụi tương đương 10 lần khối lượng Mặt Trời ra ngoài không gian cho đến nay.
Đoạn clip mô tả hành trình James Webb khám phá "quái vật vũ trụ" bí ẩn - Clip: NASA/SPACE
Lớp bụi ma mị đó rất quý giá đối với các nhà thiên văn học. "Bụi là một phần không thể thiếu đối với các hoạt động vũ trụ. Nó che chở cho các ngôi sao hình thành, tập hợp với nhau để giúp hình thành và đóng vai trò nền tảng để các phân tử hình thành và kết tụ, bao gồm các phân tử gọi là "khối xây dựng sự sống" cho Trái Đât" - NASA viết trong tuyên bố.
Vì vậy, việc quan sát một ngôi sao sáng rực rỡ, soi tỏ vùng khí bụi của nó sẽ giúp NASA nghiên cứu thêm rất nhiều về bụi vũ trụ.
Hình dạng của WR 124 cũng cho thấy nó đã sắp sửa trở thành một siêu tân tinh rực rỡ, tức cú phát nổ cuối đời. Nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy rất có thể các siêu tân tinh cổ đại là nguồn cung cấp các vật liệu quan trọng ban đầu để hình thành các hệ sao như hệ Mặt Trời chúng ta.
Bình luận (0)