"Dấu vân tay" có những gờ phát sáng kỳ lạ nói trên là một vết lõm được đặt tên là Airy-0, có thể là một miệng hố va chạm, nằm lọt thỏm trong một miệng hố lớn hơn nhiều gọi là Airy, đường kính tới 43,5 km, ngự trị trên bề mặt sao Hỏa.
Bức ảnh mới công bố được tàu quỹ đạo Mars Reconnaissance chụp từ ngày 8-9-2021, sử dụng một camera mang tên "Thí nghiệm khoa học hình ảnh độ phân giải cao" gắn trên tàu.
Theo Live Science, Airy-0 cũng vừa được NASA lựa chọn làm điểm đánh dấu kinh tuyến gốc số 0 trên sao Hỏa.
"Dấu vân tay" kỳ lạ trên hành tinh khác - Ảnh: NASA
Trước đây Airy - miệng hố lớn hơn, có thể là một miệng núi lửa cổ hoặc miệng hố hình thành do va chạm - được chọn làm điểm đánh dấu kinh tuyến gốc nhưng vì nó quá lớn nên các nhà khoa học luôn muốn tìm kiếm thứ gì đó nhỏ hơn, giúp các phép đo căn chỉnh từ nó được chuẩn xác hơn.
Cái tên "Airy" được lấy từ tên nhà thiên văn học người Anh Sỉ George Biddell Airy, người đã chế tạo kính viễn vọng tại Đài quan sát Hoàng gia Greenwich - cũng là điểm mốc cho kinh tuyến gốc số 0 ở Trái Đất.
Nhà khoa học hành tinh Abigail Fraeman, phó trưởng dự án Curiosty - chiếc xe tự hành thăm dò sao Hỏa lâu đời của NASA - lý giải rằng cấu trúc "dấu vân tay" chính là những rặng núi ngang được tạo thành bởi trầm tích gió (TAR), nôm na là một cấu trúc bởi gió sao Hỏa "điêu khắc" nhiều năm mà thành. Các nhà khoa học từng gặp TAR ở các miệng hố khác trên sao Hỏa.
Cấu trúc lạ này được hình thành bởi các cồn cát bị bao phủ bởi một lớp bụi mỏng, rất có thể là hematit, một khoáng chất giàu oxit sắt. Bụi này có khả năng phản xạ cao nên TAR nổi bật với viền lấp lánh.
Đây không phải lần đầu tiên các cấu trúc quái dị, gây giật mình được tìm thấy trên hành tinh khác, đặc biệt là sao Hỏa, nơi các tàu vũ trụ dễ dàng tiếp cận bề mặt.
Theo tờ Space, vào ngày 30-3 vừa qua, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng gây sốc khi công bố hình ảnh một cặp miệng hố có địa hình... y như não người.
Bình luận (0)