Tuần trước, NASA gây bất ngờ khi cho biết robot thám hiểm Curiosity Mars rover của mình đã tìm thấy các "khối xây dựng sự sống", tức các vật liệu hữu cơ thô sơ có niên đại 3 tỉ năm. Các phân tử chứa carbon và các nguyên tố hữu cơ giống với trái đất tồn tại trong bùn dưới đáy hồ, tương tự dấu tích của các vi sinh vật trong đá trầm tích trên trái đất.
Sao Hỏa - ảnh: SHUTTERSTOCK
Một dãy núi trên Sao Hỏa do robot của NASA chụp - ảnh: NASA
Những phát hiện mới giúp các nghiên cứu về khả năng sinh tồn trên Sao Hỏa nhảy vọt một bước dài. Mới đây, ông Jim Green, nhà khoa học trưởng của NASA, đã chia sẻ với tờ USA Today về dự định đưa con người lên Sao Hỏa trong thời gian tới.
Dự tính, con người đầu tiên sẽ đặt chân lên Sao Hỏa năm 2040. Trước đó, nhiều nhà khoa học khắp thế giới đã ấp ủ dự định xây cả một thành phố trên hành tinh này.
Theo ông Green, Sao Hỏa là hành tinh giống với trái đất nhất trong hệ mặt trời. Nó có một quang cảnh đẹp với những dãy núi hùng vĩ, một ngọn núi lửa khổng lồ, những hồ nước cổ đại tuy đã khô cạn nhưng vẫn hy vọng một ngày nào đó mạch nước lại được tìm thấy.
Khu vực hoạt động của robot thăm dò cũng là nơi các "khối xây dựng sự sống" cổ đại được tìm thấy dưới đáy hồ - ảnh: NASA
Đa phần Sao Hoả có địa hình như hoang mạc, nhiều đá, nhưng khả năng tìm ra mạch nước khá cao - ảnh: NASA
Ảnh: NASA
Tuy nhiên, con người sẽ phải đối phó với một số điều kiện nhất định vì dù sao đó không phải là trái đất. Trước khi có phương án lâu dài, những công dân Sao Hỏa đầu tiên phải mặc quần áo không gian 24/24.
Thời tiết trên Sao Hỏa rất khắc nghiệt, hôm nay và ngày mai có thể chênh tới 170 độ, nhiệt độ trung bình lại âm. Con người cũng cần bình dưỡng khí vì bầu khí quyển ở đây quá nhiều carbon dioxide.
Ngoài ra, chúng ta phải làm quen với bão bụi, xảy ra khoảng 26 tháng một lần vào mùa hè. Bão bụi có thể che kín ánh sáng mặt trời trong nhiều ngày khiến bầu trời lúc nào cũng như đang chạng vạng vào một số tháng sau đó.
Ảnh: NASA
Ảnh: NASA
Cảnh quan sao hỏa qua ảnh selfie của Curiosity Mars rover - ảnh: NASA
Chính robot Curiosity Mars rover cũng đang gặp rắc rối với bão bụi trên Sao Hỏa. Cơn bão bụi xuất hiện đầu tháng 6 khá mạnh, trong khi Curiosity Mars rover là robot chạy bằng năng lượng mặt trời. NASA lo ngại nó sẽ không đủ năng lượng để tự sưởi ấm và bị hư hại.
Ông Jim Green cũng tiết lộ các phi hành gia tiên phong sẽ không chỉ đến Sao Hỏa để dạo chơi. Họ có nhiệm vụ thiết lập một trang trại để cung cấp thực phẩm cho một cộng đồng rộng lớn hơn. Đậu, măng tây và khoai tây là 3 loại cây trồng khả thi nhất cho Sao Hỏa. Ngoài ra, một chiếc máy in 3D sẽ được đưa lên, sử dụng chính bụi của hành tinh này để tạo ra những thứ cần thiết cho cuộc sống.
Bình luận (0)