TS Jonathan McDowell, chuyên gia về mảnh vỡ không gian của Trung tâm Vật lý thiên văn Havard-Smithsonian (Mỹ), 7 vật thể mảnh vụn trên quỹ đạo Trái Đất đã được xác định là thuộc về một vệ tinh không còn tồn tại của Liên Xô (cũ), được phóng lên vũ trụ từ năm 1991.
"Các mảnh vỡ có thể đến từ Kosmos-2143 hoặc Kosmos-2145, 2 trong số 7 vệ tinh Strela-1M được phóng trên cùng một tên lửa" - TS McDowell cho biết.
Các tàu vũ trụ trên quỹ đạo đang bay trong một vùng không gian đầy "chướng ngại vật" - Ảnh: EvgeniyShkolenko
Đó là vệ tinh dạng tàu vũ trụ nhỏ, hiện nay không còn hoạt động nên sự cố này không gây tổn thất lớn cho bất kỳ cơ quan vũ trụ nào. Tuy nhiên, sự tan vỡ của vệ tinh này là lời cảnh báo cho nguy cơ va chạm không gian trên quỹ đạo ngày càng cao. Đồng thời, mảnh vỡ từ vụ vỡ vệ tinh cũng có thể góp thêm vật liệu làm tăng thêm nguy cơ va chạm không gian.
Hệ thống vệ tinh - tàu vũ trụ cũ của nhiều quốc gia bỏ lại trong khoảng 60 năm qua đã khiến vùng không gian quanh địa cầu trở thành nơi ngày càng nguy hiểm.
Gần đây, ba cơ quan vũ trụ lớn trên thế giới của Mỹ, châu Âu và Nga là NASA, ESA và Roscomos đều đưa ra ước tính số lượng mảnh vỡ cỡ lớn trên quỹ đạo hiện đã trên 1 triệu. Các cơ quan này đang nỗ lực nghiên cứu giải pháp loại bỏ rác vũ trụ.
Các mảnh vỡ được cho là nguyên nhân khiến Roscosmos lần lượt mất 2 tàu vũ trụ Soyuz và Progress chỉ trong vài tháng cuối năm 2022 - 2023, khi chúng làm thủng lỗ các tàu này.
Mới đây, ngày 24-8, Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) đã phải khai hỏa động cơ trong hơn 21 giây để di dời vị trí nhằm tránh một mảnh vỡ đang trên đường bay tới.
Trước đó, ngày 8-3, tàu Nga Progress 83 đang ghép nối với ISS làm nhiệm vụ tiếp tế cũng phải khai hỏa động cơ đến 6 phút để cứu trạm vì một mảnh vỡ khác.
Bình luận (0)