Sao lùn trắng là xác chết của các ngôi sao bị cạn năng lượng, nên đống mảnh vỡ vĩ đại quanh chúng chính là tàn tích của các ngoại hành tinh bị xé nát. Nghiên cứu vừa công bố trên Nature Astronomy cho thấy những hành tinh xấu số đã được xây dựng bằng số vật liệu phong phú hơn nhiều so với hiểu biết trước đây.
Nghĩa địa vũ trụ mới đã cho các nhà khoa học góc nhìn khác biệt về các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời - Ảnh: NOIRLab
Trong khi các nhà khoa học đi vào nghĩa địa vũ trụ này để tìm kiếm dấu tích của một thế giới giống Trái Đất, họ lại tìm thấy các khoáng chất chưa từng thấy trên Trái Đất, trong hệ Mặt Trời lẫn các hệ sao lân cận. Một số trong số các thế giới đã chết là hành tinh đá giống Trái Đất, nhưng được tạo ra theo cách hoàn toàn khác và bằng những vật liệu khó tưởng tượng.
Theo nhà thiên văn học Slyi Xu từ Phòng thí nghiệm Nghiên cứu thiên văn hồng ngoại quốc gia (NOIRLab) ở Arizona (Mỹ), các mẫu đá ngoài hành tinh vừa tìm thấy hoàn toàn không có đối chứng trong hệ Mặt Trời.
Theo Live Science, bằng cách tính toán tỉ lệ của các nguyên tố như magie, canxi, silic, sắt... trong khí quyển sao lùn trắng, thứ có ít nhất 25% nguyên liệu là từ các hành tinh từng bị nó xé toạc, các nhà khoa học đã tái tạo lại các hành tinh đá đã chết.
Kết quả cho thấy có rất nhiều "bản sao Trái Đất" ngoài kia, nhưng được cấu thành hoàn toàn khác và nếu chúng có sự sống, đó rất có thể là một thế giới hoàn toàn khác biệt so với Trái Đất. Các lục địa có thể được cấu thành theo cách khác, từ những thứ rất khác và tạo ra các dạng sống rất khác, nuôi dưỡng chúng theo những cách mà người Trái Đất khó tưởng tượng.
Các phát hiện được cho là rất ý nghĩa đối với công cuộc săn tìm sự sống ngoài Trái Đất bởi bấy lâu chúng ta có xu hướng chỉ đi tìm những bản sao của Trái Đất.
Bình luận (0)