Theo giáo sư Avi Loeb hành tinh Proxima b (quay quanh ngôi sao lùn đỏ Proxima cách Trái Đất chỉ 4,2 năm ánh sáng) tuy bị khóa với sao mẹ, nhưng ngôi sao mẹ rất nhỏ và ánh sáng yếu, nên nó vẫn nằm trong "vùng sự sống" của hệ Proxima.
Cảnh quan trên hành tinh giống Trái Đất Proxima b - Ảnh đồ họa từ NASA
Tình trạng "bị khóa" có nghĩa là hành tinh luôn hướng một mặt duy nhất về phía sao mẹ, giống như cách mặt trăng bị khóa vào Trái Đất, khiến một nửa của nó luôn là ban ngày, nửa còn lại chỉ có đêm tối. Tình trạng này chỉ xảy ra khi thiên thể "con" quay quá gần "mẹ" của nó. Khoảng cách từ Proxima b với sao mẹ chỉ bằng 1/10 khoảng cách từ Sao Thủy đến Mặt Trời.
Theo Daily Mail, Proxima b cũng là một hành tinh đá có kích cỡ phù hợp, bằng khoảng 1,27 lần Trái Đất. Nó cũng chứa rất nhiều điều kiện khác phù hợp với sự sống, ngoại trừ tình trạng bị khóa - vốn khiến các nhà thiên văn lo ngại là gây cản trở cho sự sống.
Giáo sư Loeb cho rằng nếu nửa ban ngày của hành tinh có thể quá nóng, thì nửa ban đêm sẽ có thể duy trì được nhiệt độ vừa đủ cho sự sống. Đó có khi là một điều tốt cho cuộc tìm kiếm của chúng ta, vì nếu ở đó tồn tại một nền văn minh ngoài hành tinh, họ sẽ cần những tấm gương mạnh mẽ hoặc đèn LED công suất cao để chiếu sáng các thành phố. Kính thiên văn James Webb của NASA dự kiến phóng vào tháng 10 năm nay trang bị đầy đủ các công cụ để tìm kiếm ánh sáng nhân tạo này.
Nghiên cứu cho thấy với hiệu suất tối ưu từ thiết bị quang phổ hồng ngoại trên James Webb, nó có thể phát hiện ra các loại đèn LED bằng 5% sức mạnh ánh sáng "mặt trời" Proxima. Công trình nhằm định hướng cho sứ mệnh của James Webb: chứng minh chúng ta không cô đơn trong vũ trụ.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Avi Loeb của Harvard cũng là nhóm công bố nghiên cứu gây sốc về việc Oumuamua - tiểu hành tinh nổi tiếng có hình dạng giống điếu xì gà và là vật thể liên sao (từ ngoài Hệ Mặt Trời), có thể là một tàu vũ trụ.
Bình luận (0)