Đầu tiên, ông tìm kiếm nhược điểm các căn nhà vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng bằng bê tông, cốt thép. Theo kỹ sư Hà Trọng Dũng, những loại nhà này tuy kiên cố nhưng mỗi khi xảy ra bão lũ sẽ dễ bị lún sụt do trọng lực quá lớn. Nhà lợp bằng mái tôn kiểu cũ, bằng ngói thì dễ bị tốc mái, còn nhà bằng tranh tre, nứa lá thường bị xoá sổ sau mỗi đợt bão.
Nhà HD-21N được ông Dũng đạt 3 tiêu chuẩn quan trọng là: Nhanh, mạnh mẽ và hiệu quả. Nhà được thiết kế đạt tiêu chuẩn cấp 4 với diện tích tùy thuộc vào nhu cầu ở, khoảng 18-24 m2, cao 3-4 m, rộng 6 m. Toàn bộ căn nhà được lắp ghép thành một khối chịu lực không gian, đế là một khối liên kết ngang thành mặt phẳng, trọng tâm chịu lực ở giữa, thiết bị làm nhà là các ống nước tráng kẽm, mái lợp bằng tôn.
Ông Dũng cho biết, với kiểu thiết kế này, có thể dựng được nhà trong mọi điều kiện địa hình (chỉ cần san nền là xong), thời gian để lắp ghép cũng rất ngắn, thường chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ và có thể di chuyển đi các nơi khác rất nhanh gọn.
Một ưu điểm nữa của ngôi nhà này là ngay cả khi đã bị gió bão hay động đất kéo đổ vẫn có thể khôi phục được ngay. Mặt khác, do được thiết kế theo dạng “mở” nên người sử dụng cũng có thể mở rộng diện tích nhà thêm 10-12m2, độ cao của mái cũng nâng được thêm 2,2-3 m, tuỳ thuộc vào điều kiện địa hình.
Không chỉ dựng được trên các nơi có địa hình bằng phẳng như ven biển, nhà HD-21N còn có thể dựng được trên phao, cọc tránh ngập trên sông để tránh lũ.
Ông Dũng cho biết, năm 2000 ông đã bán hai ngôi nhà dạng này cho một đơn vị xây dựng ở Hạ Long (Quảng Ninh) để làm nhà di động cho công nhân và trụ sở chỉ huy công trường, với tổng chi phí 25-30 triệu đồng/căn. Nhà có độ bền 10-15 năm, nên tính ra chi phí thấp hơn rất nhiều so với các kiểu nhà khác.
Tuy nhiên, theo kỹ sư Dũng, để đưa mô hình nhà này vào sử dụng rộng rãi, ông rất cần có sự hợp tác của Nhà nước và chính quyền địa phương, vì đây là một công trình đòi hỏi cần được làm theo một hệ thống, chứ không thể làm nhỏ lẻ.
Ông Dũng cũng lo mô hình ngôi nhà của mình bị ăn cắp bản quyền, nên không thể sản xuất đồng bộ. Ông muốn các doanh nghiệp cùng hợp tác sản xuất, vì hiện tại về cơ bản, ông đã hoàn thiện công thức chế tạo và có thể sản xuất đồng loạt ngay lập tức với số lượng hàng triệu căn nhà.
Tác giả mô hình nhà HD-21N cũng cho răng, các địa phương nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai cần thay đổi tập quán sống cho bà con như thành lập hệ thống dự trữ nhà khẩn cấp từ trung ương đến xã, để khi xảy ra bão lũ có thể đưa vào sử dụng được ngay.
Bình luận (0)