Một trong số các robot này là Yorisoi ifbot của công ty Business Design Laboratory, được bán rộng rãi ở Nhật từ năm 2004 với giá 604.800 yen. Robot này nói chuyện chậm rãi, có thể thay đổi giọng nói để giúp người già nghe rõ hơn. Ngoài ra nó còn có thể bày tỏ tình cảm với người sử dụng, hát những bản nhạc xưa theo yêu cầu...
Các nhà nghiên cứu cho biết việc trò chuyện, trao đổi với Yorisoi ifbot có thể giúp người già bớt suy nhược tinh thần và cho phép người chăm sóc họ được nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn.
Một robot khác là Chapit của công ty Ray Tron, có thể giúp người già vận hành thiết bị điện tử trong nhà, chỉ cần họ ra lệnh “tôi muốn xem tivi” hoặc “tắt đèn”. Robot này trông giống một chú búp bê, có giọng nói nhỏ nhẹ và dễ thương như một đứa trẻ lên 5, dễ dàng lôi cuốn người già nói chuyện với nó. Nó có đôi mắt sáng, cổ có thể xoay làm cho người trò chuyện có cảm giác như thực.
Ngoài ra, một nhóm nghiên cứu của ĐH Waseda đang cố gắng cải thiện sức khỏe người già bằng cách làm cho họ cười nhiều hơn với robot Tocco-chan. Nếu người sử dụng chạm vào các công tắc gắn trên đầu, tai và tay của robot, nó sẽ lập tức thực hiện các tư thế vui nhộn, rồi trò chuyện với giọng thong thả chậm rãi. Nhóm nghiên cứu này dự định thêm các chức năng khác vào robot để nó có thể tạo những tình huống vui nhộn cho đến khi người sử dụng nó bật cười.
Một vấn đề chính gây trở ngại việc phổ cập các loại robot cho những gia đình có người già ở Nhật là giá bán quá cao (giá thấp nhất của chúng hiện nay là 200.000 yen). Hiện các nhà sản xuất đang tìm cách giảm các sản phẩm này xuống thấp hơn nhằm giúp đưa chúng đến tay người già.
Bình luận (0)