. Phóng viên: Có nhiều giả thuyết đánh giá về bản chất căn bệnh và nguyên nhân cái chết của Lênin, giáo sư thấy thế nào?
- Giáo sư Juri Mikhailovich: Đúng là như thế! Tất cả các bác sĩ trực tiếp điều trị cho Lênin đều nhất trí với nhau rằng: Bệnh của vị lãnh tụ không dễ xác định. Lênin bị liệt và bại lúc thì tay phải chân phải, lúc tay trái chân trái, rồi bệnh nhanh chóng biến mất. Từng thời kỳ lãnh tụ bị đau đầu, nét chữ của ông thay đổi, giảm khả năng nhớ v.v... Thế nhưng, thật đáng kinh ngạc là đến khi lâm bệnh nặng, tư duy chính trị của Lênin vẫn hoàn toàn sáng suốt. Thời đó người ta đưa ra nhiều chẩn đoán khác nhau về căn bệnh của Lênin.
. Với căn bệnh của Lênin, y học hiện đại thời nay liệu có giải quyết được không?
- Những bệnh não phức tạp như vậy hiện nay rất khó điều trị và không phải lúc nào cũng thành công.
. Sức khỏe của Lênin trở nên xấu đi một cách rõ rệt kể từ sau khi Người bị ám sát hụt tháng 8-1918. Liệu đây có thể trở thành một trong những nguyên nhân gây nên căn bệnh não nguy hiểm của Lênin?
- Tôi cho rằng vết thương trong vụ ám sát năm 1918 đóng vai trò quyết định gây tổn thương não sau này dẫn đến cái chết của Lênin. Một đầu đạn do nữ sát thủ Janni Caplan bắn vào Lênin ở khoảng cách 3 mét đã trúng giữa xương bả vai xuyên chéo vào cổ vị lãnh tụ. Khi liền sẹo, vết thương đó đã làm hẹp động mạch, dần dần dẫn đến rối loạn tuần hoàn não hình thành cục nghẽn...
. Bản thân Lênin suy nghĩ gì về tình trạng bệnh tật của mình?
- Lênin biết rằng mình sẽ không qua khỏi. Ngày 30-5-1922, Lênin yêu cầu Stalin đến gặp mình và đề nghị mang thuốc đặc biệt đến để giúp ông sớm thoát khỏi đau đớn. Tuy nhiên, Stalin chỉ hứa để Lênin yên tâm.
. Buổi tối ngày 21-1-1924, Lênin từ trần thọ 54 tuổi...
- Trong hồ sơ lưu trữ còn giữ được 3 biên bản giải phẫu tử thi Lênin. Não bộ của vị lãnh tụ bị phá hủy ghê gớm, có nhiều vết sẹo và các hốc choán hết toàn bộ nửa trái đại não...
. Vậy người sáng lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới thực chất chết do bệnh gì?
- Tôi có thể nói rằng: Lênin bị tổn thương nặng các mạch máu não! Vào thời đó, căn bệnh này y học còn chưa biết rõ. Lúc đó chưa có các phương tiện chẩn đoán hiện đại, cũng chưa có thuốc đặc hiệu.
. Việc gìn giữ thi hài Lênin được quyết định ngay sau khi vị lãnh tụ từ trần phải không?
- Không đúng! Vấn đề bảo quản lâu dài thi hài Lênin chưa được bàn bạc trong những tuần đầu tiên sau khi lãnh tụ từ trần. Bấy giờ đang là mùa đông lạnh giá. Bước sang mùa xuân 1924, ý tưởng ướp xác bảo quản thi hài Lênin mới được đưa ra xem xét nghiêm túc ở cấp cao nhất.
Quyết định trọng đại ướp thi hài Lênin đã được thông qua sau 56 ngày ông từ trần. Đích thân Molotov ký giấy tờ đồng ý cho mua máy móc thiết bị ướp xác chuyên dụng ở nước ngoài - phê chuẩn đề án quan tài kính. Lúc đầu phương pháp ướp lạnh sâu được các chuyên gia chọn.
. Hình như có sự trục trặc gì đó khiến suýt nữa thi hài Lênin bị hư hại?
- Đúng là như thế. Nhóm tác giả chịu trách nhiệm ướp xác Lênin tỏ ra ít tin tưởng vào sự hoạt động liên tục không nghỉ của hệ thống thiết bị kỹ thuật phức tạp nên họ đã từ chối tham gia (sợ bị thất bại). Ủy ban Chính phủ do Dzerjinski đứng đầu đã tính đến khả năng phải an táng thi hài lãnh tụ. Nhưng, trong tình huống nguy kịch đó xuất hiện một người dám chịu trách nhiệm, đó là giáo sư Boris Zbarski, Phó Viện trưởng Viện Hóa. Zbarski có mối quan hệ chuyên môn tốt với giáo sư giải phẫu bệnh lý nổi tiếng Vorobiev đang công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Kharkov. Nếu như Vorobiev được đánh giá là một chuyên gia ướp xác tuyệt vời thì Zbarski lại là nhà quản lý và tổ chức tài giỏi. Chính Zbarski đã thuyết phục được Vorobiev đồng ý nhận nhiệm vụ ướp xác Lênin. Một nhiệm vụ lịch sử không phải nhà khoa học nào cũng dám làm, bởi nếu thành công thì tốt, ngược lại sẽ có biết bao điều phiền toái xảy ra...
Ngày 18-6-1924, thi hài Lênin được chuẩn bị đưa ra trưng bày trong quan tài kính. Trước đó một hôm, giáo sư Zbarski tới gặp bà Krupskaja - vợ của Lênin - lấy quần áo thường mặc của Lênin mang vào lăng. Ngày hôm sau từ lăng ra Krupskaja đã khóc. Em trai Lênin là Dimitri Ilich ôm hôn giáo sư Vorobiev xúc động nói: “Bây giờ tôi không thể nói gì vì quá sung sướng! Lênin nom như ngày đầu tiên sau khi mất.
Ngày 1-8-1924, Lăng Lênin đã được mở cho đông đảo nhân dân vào thăm viếng vị lãnh tụ thiên tài. Suốt 80 năm qua, hơn 110 triệu lượt người đủ mọi màu da trên thế giới đã đi qua quan tài kính chiêm ngưỡng dung nhan Lênin. Thành công trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Lênin các nhà khoa học Nga xứng đáng được tôn vịnh là những bậc thầy nắm giữ bí mật công nghệ ướp xác tiên tiến nhất hiện nay...
Bình luận (0)