1. Châu Mỹ được khai phá từ năm 1021!
Hàng thế kỷ trước khi Christopher Columbus được cho là khám phá ra châu Mỹ thì một nhóm dân cư cổ xưa hơn từ Bắc Âu đã thường xuyên đến đây và dựng trại nghỉ đông!
Khu định cư được xây dựng từ năm 1021 bởi những người Bắc Âu đầu tiên khai phá châu Mỹ - Ảnh đồ họa từ nhóm nghiên cứu
Khám phá được công bố trên tạp chí Nature cho biết địa điểm Norse ở L’Anse aux Meadows, tỉnh Newfoundland và Labrador của Canada, là một căn cứ thám hiểm và trại mùa đông đã được dựng nên từ năm 1021 sau Công Nguyên, với tàn tích về những hoạt động cắt và thái bằng lưỡi dao kim loại - là thứ người Bắc Âu mới có, dân bản địa không sản xuất được.
Một cơn bão Mặt Trời năm 992 đã tạo ra một tín hiệu carbon phóng xạ riêng biệt trong các vành cây những năm sau đó, nên các nhà khoa học xác định được năm châu Mỹ được khám phá chính xác là 1021. Người Viking được cho là chủ nhân của trại mùa đông này.
2. Tìm thấy "Thành Phố Vàng" của Ai Cập cổ đại
Một thành phố niên đại 3.400-3.500, là trung tâm công nghiệp, thương mại cổ đại của Ai Cập và chính là "Thành Phố Vàng" trong truyền thuyết mà bấy lâu nay các nhà khảo cổ tìm kiếm, đã chính thức lộ diện tại Luxor. Thành phố hiện ra với những công trình lớn bằng gạch bùn, mang nhiều phù điêu độc đáo, nhiều cổ vật như đồ trang sức, đồ gốm...
Tàn tích vĩ đại của Thành Phố Vàng. Và nó thật sự chứa rất nhiều châu báu, ở khắp mọi nơi - Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập
Thành Phố Vàng được pharaoh nổi tiếng Amenhotep III khởi công xây dựng, sau đó con trai ông là Amenhotep IV tiếp tục làm phong phú thêm và thậm chí đã dời đô từ Thebes về đây trong triều đại của mình, đầu tư nhiều công trình mang dấu ấn riêng.
Các công trình cung cập một giai đoạn lịch sử ngoài sức tưởng tượng dưới thời Amenhotep IV. Vị pharaoh dị biệt này đã khuyến khích một trường phái nghệ thuật khác biệt hẳn so với thời trước và cả giai đoạn sau đó, cũng như một đường lối tín ngưỡng khác: Thành Phố Vàng coi thần Mặt Trời Aten là vị thần tối cao, đó là lý do thành phố còn có tên Aten bên cạnh tên khác là Akhetaten (cũng là tên gọi khác của Amenhotep IV).
Lượng cổ vật nhiều đến nỗi nhà chức trách Ai Cập dự định thành lập một công viên khảo cổ tại chỗ chứ không đem hiện vật về bảo tàng.
3. Châu Mỹ có người ở từ 23.000 năm trước
Nếu như người Viking khai phá châu Mỹ trong thời kỳ cận đại, thì từ 23.000 năm trước, những cư dân đầu tiên của châu Mỹ đã tìm đến đây. Bằng chứng là dấu chân người lâu đời nhất châu Mỹ đã được khám phá tại Vườn Quốc gia White Sands ở New Mexico, dưới dạng hóa thạch rõ ràng. Đó là giai đoạn Cực đại băng hà cuối cùng của Trái Đất.
Dấu chân hóa thạch 23.000 năm tuổi - Ảnh: Vườn quốc gia White Sands
4. Con người mang bộ não vượn
Tận 1 triệu năm sau khi những cá thể thuộc chi Người (Homo) rời châu Phi, định cư tại châu Á và châu Âu, bộ não mới tiến hóa thành con người thật sự - tức thùy trán phát triển để có chức năng điều hành tư duy xã hội, sử dụng công cụ và ngôn ngữ. Đó là phát hiện gây sốc từ Đại học Zurich (Thụy Sĩ) khi phân tích và đối chiếu nhiều hóa thạch các loài người cổ, người hiện đại và vượn.
Hộp sọ hóa thạch của một số loài người và vượn nhân hình - Ảnh: Nature
Kết quả cho thấy những thành viên đầu tiên của chi Homo vẫn còn mang bộ não nguyên thủy của Vượn người Phương Nam! Họ đã tiến hóa nhiều về hình thể, nhưng bộ não hãy còn là một vượn nhân hình. Phát hiện này lật ngược quan điểm rằng thùy trán đã phát triển "thành người" tận 2,8-2,5 triệu năm trước, khi Vượn người phương Nam tiến hóa thành chi Người.
Bình luận (0)