10. Big Ben sẽ trang bị màn hình số
Năm 1980, đài phát thanh BBC (Anh) loan tin rằng để bắt kịp thời đại, tháp đồng hồ Big Ben nổi tiếng ở London sẽ bị tháo dỡ hệ thống máy đồng hồ cũ để lắp thiết bị hiển thị giờ kỹ thuật số. Thông tin đã khiến các thính giả giả bị sốc và còn biểu tình chống lại sự thay đổi.
Chưa dừng lại ở đó, đài BBC Nhật Bản nói rằng các kim đồng hồ sẽ được bán cho 4 thính giả đầu tiên gọi điện cho đài. Nghe thấy thế, một thủy thủ Nhật Bản đã đánh tín hiệu ra giá tới cho BBC dù đang đi tàu giữa biển Đại Tây Dương.
Hàng ngàn người đã sập bẫy cú lừa ngoạn mục do đài truyền hình duy nhất của Thụy Điển thực hiện vào năm 1962
9. Tiên không chỉ có trong truyện cổ tích
Năm 2007, hình ảnh xác ướp một sinh vật dài chừng 16 cm trông giống một nàng tiên được tải lên trang web của công ty Lebanon Circle Magik (Anh). Trang web nói rằng sinh vật này được một người đàn ông dắt chó đi dạo tìm thấy dọc theo một con đường cổ do người La Mã xây dựng ở khu vực Derbyshire. Trong ngày 1-4, trang web của Lebanon Circle nhận được hàng chục ngàn lượt người truy cập. Hàng trăm người hiếu kỳ khác cũng gửi thư điện tử tới công ty.
Tới cuối ngày 1-4, Dan Baines, chủ sở hữu trang web trên nói rằng "xác nàng tiên" chỉ là sản phẩm của một trò đùa nhân ngày Cá Tháng Tư. Anh đã sử dụng kỹ năng chế đồ ảo thuật của mình để tạo ra "nàng tiên".
8. Cải thiện đồ uống với băng trôi Nam Cực
Năm 1978, Dick Smith, một triệu phú thích phiêu lưu người Australia, tuyên bố ông có kế hoạch kéo một tảng băng trôi từ Nam Cực về đẽo thành các miếng băng nhỏ và bán cho công chúng với giá khoảng 10 xu (0,1 AUD) mỗi miếng. Theo Smith, các khối băng này, được tạo ra từ nước tinh khiết của Nam Cực, sẽ làm tăng độ ngon của mọi loại thức uống.
Smith thậm chí còn cho tàu kéo một vật thể kích cỡ lớn, giống như băng trôi, vào cảng Sydney và hành động này được báo chí đưa tin rất sát. Cuối cùng khi trời đổ mưa, người ta mới ngã ngửa khi biết "tảng băng trôi" thực ra chỉ là một khối nhựa lớn, phủ chất chữa cháy trộn với kem cạo râu.
7. Lễ tắm rửa sư tử trắng
Năm 1860, người dân trên khắp London (Anh) nhận được lời mời sau: "Lâu đài Tháp London: Những người mang tấm giấy này và bạn bè được mời tới dự lễ tắm rửa sư tử trắng thường niên, diễn ra trong ngày 1-4-1860. Chỉ đón khách ở Cổng trắng." Tới buổi trưa, một đám đông người đã tụ tập bên ngoài tòa lâu đài. Họ nhanh chóng thất vọng khi biết tin lâu đài đã không còn nuôi sư tử trong nhiều thế kỷ qua, nói gì tới sư tử trắng.
6. Bánh burger cho người thuận tay trái
Ngày Cá Tháng Tư năm 1998, hãng đồ ăn nhanh Burger King (Mỹ) cho đăng một quảng cáo toàn trang trên tờ USA Today, nói rằng họ vừa thay bánh burger thông thường bằng món ăn mới có tên "bánh burger dành cho người thuận tay trái". Hãng cho biết bánh mới sử dụng cùng các nguyên liệu như loại bánh mà nó thay thế. Chỉ có điều các nguyên liệu này bị xoay đi 180 độ, để phục vụ 32 triệu người Mỹ thuận tay trái!
Ngay sau đó, hàng ngàn người đã đến các quán Burger King và gọi món bánh burger mới. Cùng lúc cũng có hàng ngàn người khác đổ tới, phẫn nộ đòi phiên bản bánh dành cho "người thuận tay phải" mà họ vẫn thường dùng.
5. Xác thủy quái hồ Loch Ness
Ngày 1-4-1972, nhiều tờ báo trên thế giới giật tít nói rằng đã tìm thấy xác thủy quái hồ Loch Ness. Một đội các nhà động vật học tới từ Vườn thú Công viên Flamingo ở Yorkshire (Anh) là những người đầu tiên phát hiện xác quái thú nổi trên mặt nước hồ Loch Ness. Ước tính ban đầu cho thấy xác này nặng chừng 1 tấn rưỡi và dài 7 mét. Nhưng khi cánh nhà báo đổ tới hồ Loch Ness, xác "quái thú" thực ra chỉ là thi thể một con hải tượng.
John Shields, trưởng nhóm động vật học kể trên, sau đó thừa nhận mình đã đứng ra dàn dựng vụ chơi khăm.
4. Quốc đảo tưởng tượng
Năm 1977, tờ Guardian xuất bản một bài "phóng sự đặc biệt" dài 7 trang về San Serriffe, một đảo quốc nhỏ nằm giữa Ấn Độ Dương. Đất nước này gồm nhiều hòn đảo nhỏ nằm cạnh nhau, tạo thành hình dấu chấm phẩy. 2 hòn đảo chính được gọi là Thượng Caisse và Hạ Caisse. Tờ báo còn bổ sung nhiều bài viết chuyên sâu về lịch sử, địa lý và cuộc sống thường nhật trên hòn đảo độc đáo này.
Sau khi báo phát hành trong ngày 1-4, chuông điện thoại của Guardian reo cả ngày, do đông đảo độc giả gọi tới để tìm hiểu về quốc đảo tuyệt vời mà báo đưa tin. Hoạt động này của Guardian đã mở đường để nhiều tờ báo in tại Anh bắt đầu truyền thống trêu chọc độc giả nhân ngày Cá Tháng Tư.
3. Bay lơ lửng vì tác động liên hành tinh
Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh phát thanh Radio 2 của BBC vào ngày 1-4-1976, nhà thiên văn Patrick Moore nói rằng vào lúc 9 giờ 47 sáng, một hiện tượng đặc biệt, chỉ-xảy-ra-một-lần-trong-đời sẽ xuất hiện. Theo đó, sao Diêm vương sẽ đi ra phía sau sao Mộc và vô tình tạo ra sự thẳng hàng giữa các hành tinh, làm giảm lực hấp dẫn của Trái đất. Moore nói với các thính giả rằng nếu họ nhảy lên khỏi ghế ngồi trong lúc ông đang nói, có thể họ sẽ thấy cảm giác bồng bềnh trôi trong không khí rất kỳ lạ.
BBC đã nhận được rất nhiều điện thoại từ thính giả gọi tới trong ngày hôm đó, nói rằng họ cảm thấy hiện tượng lạ này. Một người phụ nữ thậm chí cho biết bà và 11 người bạn còn bay lên khỏi ghế ngồi và lượn vòng trong nhà.
2. Trồng mỳ ống trên cây
Màn đùa giỡn nổi tiếng nhất do BBC thực hiện trong chương trình truyền hình tin tức Panorama, phát sóng năm 1957. Chương trình có một đoạn tin dài 3 phút nói về việc người Thụy Sĩ đã có một vụ mùa mỳ ống bội thu, kèm theo hình ảnh một gia đình đang kéo các sợi mỳ khỏi những "cây mỳ ống" và đặt vào trong giỏ. Phần tin này kết thúc với một thông điệp nói rằng: "Với những người mê mỳ ống, không gì có thể sánh với loại mỳ ống thực thụ, được trồng tại nhà này."
Ngay sau đó, hàng trăm khán giả đã gọi điện cho BBC hỏi cách trồng cây mỳ ống. Hãng tin trả lời tỉnh bơ: "Hãy để một nhúm mỳ trong một hộp sốt cà chua và hy vọng về điều tốt đẹp nhất".
1. Biến TV đen trắng thành TV màu
Năm 1962, tại Thụy Điển chỉ có một kênh truyền hình duy nhất, phát hình trắng đen. Trong ngày 1-4, đài truyền hình thông báo rằng "chuyên gia kỹ thuật" của họ là Kjell Stensson sẽ dạy mọi người cách xem hình màu từ TV đen trắng.
Stensson dẫn lời "các nhà nghiên cứu" nói rằng khán giả nên cắt những chiếc tất và dán lên màn hình để "bẻ cong ánh sáng", khiến hình đen trắng thành hình màu. Hàng ngàn người đã dính "quả lừa" ngoạn mục này. Tới giờ nhiều người vẫn nhớ cha mẹ họ đã vội chạy khắp nhà để tìm tất. Hoạt động phát hình màu ở Thụy Điển chỉ diễn ra từ ngày 1-4-1970.
Bình luận (0)