Từ lâu, các nhà khoa học vẫn tin rằng mặt trăng của Trái Đất, vốn nhỏ hơn so với nhiều mặt trăng của Sao Mộc, Sao Thổ..., sẽ không đủ kích thước để có từ trường của riêng nó. Nhưng các mẫu đá mặt trăng được khác phi hành gia tàu Apollo của NASA thu thập 50 năm trước chứng minh điều ngược lại.
Phát hiện được cho là gây bối rối cho giới khoa học, vừa được công bố bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Brown ở Rhode Island.
Phác thảo "căn cứ mặt trăng" - Ảnh: ESA
Theo Daily Mail, kết quả phân tích cho thấy các viên đá này phải được hình thành trong môi trường có từ trường mạnh. Chính các nhà khoa học Trái Đất vẫn dùng dữ liệu cổ từ trong đá để tìm hiểu về lịch sử của từ quyển Trái Đất, nên bằng chứng từ đá là hết sức đáng tin cậy.
Họ cho rằng mặt trăng sơ khai đã tự tạo ra từ trường không liên tục nhưng mạnh mẽ trong hoạt động địa chất sơ khai của nó - trước khi hóa thành một khối đá đông đặc như hiện nay.
Trong quá khứ đó, mặt trăng có một đại dương magma khổng lồ giống như Trái Đất trong Liên đại Hỏa Thành. Bên trong đại dương đó, những tảng đá khổng lồ chìm qua lớp phủ lỏng, tạo ra từ trường. Điều này hình thành trong vòng 1 tỉ năm đầu tiên.
Đây là một phát hiện quan trọng bởi từ quyển được coi là lớp áo giáo của mỗi hành tinh, điều kiện cần để sự sống trên một thiên thể được bảo vệ nếu nó may mắn ra đời. Từ quyển được tạo ra bởi từ trường mạnh mẽ của Trái Đất là một lớp "áo giáp sự sống" cần thiết mà những lần nó suy yếu thường liên quan đến đại tuyệt chủng.
Trước đó, một nghiên cứu công bố trên Astrobiology năm 2018, tác giả là nhóm các nhà sinh vật học vũ trụ của Đại học Bang Washington (WSU-Mỹ) và Đại học London (Anh) cho thấy mặt trăng đã có thể xuất hiện dạng sự sống sơ khai tương tự vi khuẩn lam của Trái Đất tới 2 lần, nhưng sau đó bị tuyệt chủng.
Bình luận (0)