Nhà địa hóa học Chris German và nhà nghiên cứu núi lửa Adam Soule cùng các cộng sự đến từ Viện Hải dương học Woods Hole (WHOI, Mỹ) đã thám hiểm vùng biển phía Đông Nam Hawaii sau vụ phun trào thảm họa Kilaueau trong năm 2018.
Đồng bằng dung nham dưới đáy biển khu vực Hawaii, nơi sở hữu môi trường thủy nhiệt giống với mặt trăng Enceladus của Sao Thổ - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Dung nham từ thảm họa núi lửa chảy xuống biển vô tình kết nối với một ngọn núi lửa khác dưới đáy biển mang tên Lō`ihi và tiết lộ một thế giới thú vị xung quanh các luồng thủy nhiệt.
Hệ thống thủy nhiệt của Lō`ihi gần như một bản sao của hệ thống thủy nhiệt dưới đáy biển ngầm trên mặt trăng Enceladus của Sao Thổ, nơi NASA đang hướng mục tiêu săn tìm sự sống ngoài trái đất.
Nói cách khác, khu vực này là một "thế giới song song" hoàn hảo để các nhà khoa học tiến hành các thí nghiệm, nghiên cứu để xác định cách mà sự sống có thể phát sinh trong môi trường như thế. Từ đó thiết kế và ra những mệnh lệnh đúng hướng các robot làm nhiệm vụ tìm kiếm sự sống trên Enceladus trong tương lai, nhất là khi khoảng cách quá xa xôi và các yếu tố môi trường thù địch với con người vẫn đang ngăn trở các nhà khoa học trực tiếp bước lên mặt trăng băng giá này săn sự sống.
Enceladus, mặt trăng của Sao Thổ, nơi các nhà khoa học hy vọng tìm thấy sự sống ngoài hành tinh - ảnh: DAILY EXPRESS
Theo ông German, các hệ thống thủy nhiệt mà chúng ta biết trước giờ trên trái đất đều quá nóng, có thể nóng hơn nhiều lần so với Enceladus, nên không thể lấy đó làm môi trường nghiên cứu so sánh.
Tuy nhiên, Lō`ihi lại phát ra chất lỏng thủy nhiệt mát hơn hẳn những nơi khác trên trái đất, ở độ sâu nông hơn, áp suất thấp hơn và vì thế thân thiện với sự sống hơn, giống như Enceladus. Quả thật, một tàu thăm dò robot đã phát hiện trên một vùng đồng bằng dung nham mới - do dung nham từ núi lửa Kilauea trên bờ chảy xuống tạo thành - một mảng các vi khuẩn màu vàng sáng bao vây khu vực phát ra thủy nhiệt từ Lō`ihi. Chúng sử dụng sắt và lưu huỳnh làm năng lượng sống.
Đó cũng là những gì mà NASA trông đợi ở Enceladus: dù là một mặt trăng băng giá, các nghiên cứu cho thấy thiên thể này giấu bên dưới lớp băng vĩnh cửu những đại dương ngầm ở thể lỏng. Dưới đáy các đại dương này có các hố thủy nhiệt, nơi hơi nóng từ sâu bên trong lòng đất thổi lên, giúp nhiệt độ một số khu vực ấm áp hơn, là nơi sự sống có thể hình thành và tiến hóa.
Nhóm nghiên cứu vừa qua đã cộng tác thêm với nhà khoa học Darlene Lim từ Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA, cũng như nhận được tài trợ từ NASA và Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia (NOAA).
Bình luận (0)