Nghiên cứu mới từ Đại học Nam Florida (Mỹ) đã giải thích sự thật về hiện tượng "nước mắt xanh" vô cùng kỳ ảo và ma quái hiện lên ở biển Hoa Đông (Trung Quốc) thời gian gần đây, đặc biệt là vùng biển quanh quần đảo Matsu – Đài Loan. Vào những đêm mùa hè, người ta có thể thấy ánh sáng xanh lấp lánh rất đẹp bao vây lấy vùng bờ biển. Hiện tượng thu hút rất nhiều du khách.
Đẹp một cách ma quái và là tử thần của nhiều sinh vật biển, "nước mắt xanh" khiến các nhà khoa học lo ngại
Tác giả chính, nhà hải dương học Chanmin Hu và các cộng sự đã sử dụng dữ liệu vệ tinh bao gồm gần 1.000 hình ảnh ghi lại "nước mắt xanh" suốt 19 năm qua và nhận thấy "chữ ký sinh học" từ một sinh vật rất đặc biệt, thể hiện qua bước sóng ánh sáng mà chúng phát ra.
Đó chính là dinoflagellates, một sinh vật phù du nhỏ có khả năng phát quang sinh học. Cảnh quan chúng tạo ra không hề lãng mạn như nhiều người nghĩ: "nước mắt xanh" rất độc hại và nguy hiểm.
Bản thân dinoflagellates không độc hại, mà vấn đề nằm ở sở thích ăn uống của chúng. Chúng lựa chọn tảo độc làm thực phẩm và thải ra amoniac cùng các hóa chất gây độc mạnh cho vùng nước xung quanh khi tiêu hóa. Các hóa chất này đang đầu độc nhiều loài cá và rùa biển và có thể gây bệnh cho cả con người.
Không những thế, chúng còn ngốn ngấu lượng oxy trong nước cho đến khi vùng nước đó hóa thành "vùng chết" - thuật ngữ chỉ các vùng biển có lượng oxy thấp đến nỗi các sinh vật biển không sống nổi.
Đáng lo ngại hơn là hiện tượng nước mắt xanh đang ngày một lan rộng ở biển Hoa Đông, khiến vùng biển này ngày càng đẹp lộng lẫy và càng chết chóc. Nguyên nhân gây ra sự sinh sôi đáng sợ của “nước mắt xanh” chưa rõ ràng nhưng theo tác giả Chanmin Hu, các chất ô nhiễm từ nông nghiệp chảy xuống sông Dương Tử và đổ ra biển chịu phần trách nhiệm lớn. Các hóa chất này đã tạo điều kiện cho các sinh vật gây ra “nước mắt xanh” có cơ hội sinh sôi nảy nở dữ dội.
Bình luận (0)