Trước thực tiễn việc xử lý nguồn nước mặt bị ô nhiễm đang là vấn đề cấp bách ở khắp các địa phương trên cả nước, Viện Môi trường nông nghiệp thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu tìm giải pháp xử lý nguồn nước mặt bị ô nhiễm bằng công nghệ sinh thái với hiệu quả xử lý cao, dễ ứng dụng và thân thiện môi trường.
Cây trồng phát triển tốt sau khi sử dụng nguồn nước tưới là nước từ suối Cát (tỉnh Bình Dương) xử lý qua công nghệ sinh thái. Ảnh: TƯ LIỆU
Thuận lợi cho việc áp dụng
TS Lê Văn Nhạ, chủ nhiệm đề tài, cho biết hiện có rất nhiều công nghệ khác nhau để xử lý các nguồn nước bị ô nhiễm (vật lý, hóa học…). Tuy nhiên, việc xử lý nguồn nước mặt cho vùng nông thôn hầu như khó có thể áp dụng được các công nghệ này vì đòi hỏi chi phí cao cho xây dựng, lắp đặt và vận hành, bảo dưỡng…
Công nghệ sinh thái là công nghệ xử lý trong điều kiện tự nhiên. Ở môi trường tự nhiên, các quá trình lý, hóa và sinh học diễn ra trong mối quan hệ tác động qua lại giữa đất, nước, không khí, sinh vật. Hệ thống xử lý nước trong tự nhiên có các quá trình quang hợp, quang ôxy hóa, trao đổi chất giữa hệ thực vật và các sinh vật khác nhau trong hệ sinh thái.
Công nghệ sinh thái đã được phát triển, áp dụng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và đem lại hiệu quả cao. Ở nước ta, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ sinh thái nhưng đây vẫn đang là vấn đề còn mới mẻ. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã chọn lọc được 19 loại cây có khả năng lọc sạch nước bị ô nhiễm, như rong đuôi chó, rong đuôi chồn, sậy, bèo hoa dâu, bèo tây, bèo cái, thủy túc… Những loại cây này được đưa vào trồng thực nghiệm tại Bình Dương và Bắc Ninh là hai địa phương có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp và nhiều khả năng cao gây hiện tượng ô nhiễm nguồn nước mặt.
Đủ tiêu chuẩn tưới tiêu
Tại Bình Dương, nước được lấy để thử nghiệm là nước từ suối Cát ở tỉnh Bình Dương, một trong những nguồn nước đã bị ô nhiễm khá nặng. Nguồn nước này được bơm và cho chảy qua hệ thống lọc của mô hình chính là một bãi lọc trồng 19 loài cây kể trên. Thông qua quá trình lý, hóa và sinh học tự nhiên của hệ chất nền (đất, sỏi, cát...), các chất thải thấm và giữ lại trong chất nền, sau đó được các vi sinh vật phân hủy và trở thành nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Khi nước ngấm qua đất, các chất rắn lơ lửng bị giữ lại. Trong tầng chất nền diễn ra quá trình lọc biến thiên theo kích thước của các chất rắn lơ lửng, cấu trúc chất nền và vận tốc của nước. Đối với bãi lọc chậm, các chất rắn lơ lửng có kích thước lớn sẽ bị giữ lại ngay trên bề mặt, các chất rắn lơ lửng có kích thước nhỏ, cùng với vi khuẩn, virus bị giữ lại ở phần bề mặt của hệ thống lọc. Các chất hòa tan trong nước cũng có thể bị loại bỏ nhờ quá trình chuyển hóa hóa học và sinh học.
Kết quả cho thấy nước suối Cát sau khi qua hệ thống lọc ô nhiễm bằng công nghệ sinh thái đã cho ra nguồn nước đủ tiêu chuẩn tưới tiêu, cho phép vi sinh vật hoạt động bình thường. Tại tỉnh Bắc Ninh, mô hình thử nghiệm cũng cho kết quả tương tự. Cả hai tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh đều đánh giá cao hiệu quả của nghiên cứu này và mong muốn được chuyển giao để áp dụng.
GS-TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu cấp Nhà nước, đã đánh giá cao những kết quả mà nhóm nghiên cứu đạt được và nhận xét đề tài có ý nghĩa lớn về mặt môi trường, có khả năng ứng dụng cao.
Người dân có thể tự làm được
TS Lê Văn Nhạ cho biết công nghệ này rất dễ áp dụng, hiệu quả cao và hoàn toàn thân thiện với môi trường. Ưu điểm còn được thấy rất rõ ở vốn đầu tư thấp, tuổi thọ công trình hàng chục năm, chi phí vận hành thấp, thậm chí có nhiều trường hợp gần như bằng không do chủ yếu sử dụng các loài thực vật thủy sinh và nguồn vật liệu có sẵn ở địa phương. Khi được tư vấn, người dân có thể tự làm được. |
Bình luận (0)