Nhiều người đang háo hức đón xem hiện tượng "siêu trăng" xuất hiện vào ngày 14-11 khi Mặt trăng tiến đến gần Trái Đất nhất kể từ năm 1948.
Tại Anh, cơ hội tốt nhất để chiêm ngưỡng sự kiện này là vào tối 14-11 (giờ địa phương) mặc dù Mặt Trăng đến gần nhất vào lúc 23 giờ 21 phút (giờ địa phương), cách Trái Đất 356.509 km.
Trong khi đó, châu Á là nơi tốt nhất để ngắm trăng khi Mặt Trăng trở nên tròn nhất và sáng nhất lúc 13 giờ 52 phút theo giờ GMT, tức 20 giờ 52 phút tại Việt Nam, theo CNN.
Châu Á là nơi tốt nhất để ngắm "Siêu trăng" lần này. Ảnh: EPA
Lúc này, Mặt Trăng có vẻ to hơn 7% và sáng hơn 15% so với bình thường. Tuy nhiên, mắt người bình thường hầu như không có khả năng nhận ra sự khác biệt này.
Hiện tượng "siêu trăng" xảy ra khi Mặt Trăng tròn vào đúng cận điểm của nó (perigee) - tức thời điểm mặt trăng ở gần trái đất nhất. Thông thường, "siêu trăng" "lớn" hơn trăng tròn bình thường 14% và sáng hơn 30%.
Mặc dù hiện tượng "siêu trăng" xảy ra theo chu kì 13 tháng nhưng "siêu trăng" vào ngày 14-11 năm nay là một dịp đặc biệt. Đây không chỉ là "siêu trăng" lớn nhất kể từ năm 1948 mà theo NASA, "siêu trăng" tháng này "tròn trong khoảng 2 giờ của cận điểm, khiến nó trở thành một siêu siêu trăng".
"Siêu trăng" giống như ngày 14-11 chỉ xuất hiện trở lại vào tháng 11-2034.
"Siêu trăng máu" tại Belarus ngày 27-9 năm nay. Ảnh: AP
Bình luận (0)