Thời gian này kỹ sư Phan Trí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ P.E (PETECH), đang bận rộn chuẩn bị ra Nha Trang để trình bày về giải pháp xử lý nước cống của TP này trước khi xả xuống vịnh biển Nha Trang bằng hệ thống BiofastTM ATC (Automatic Treatment Container) do anh và các cộng sự vừa sáng chế thành công.
Sản phẩm của đô thị văn minh
Nhà vệ sinh thông minh đầu tiên của VN được Phan Trí Dũng trình làng tại Techmart Vietnam 2005 đã gây ngạc nhiên lớn. Đây là hệ thống nhà vệ sinh tự động công nghệ cao với các chức năng: tự động dội nước, làm sạch bệ, sàn, tự động khử mùi hôi, tiệt trùng sau mỗi lần sử dụng, sấy tay tự động cảm ứng, tự động thu phí bằng tiền xu... Sản phẩm của anh sau đó đã được lắp đặt hàng loạt trên các đường phố ở TPHCM, trên một số tàu lửa, xe bus... Không dừng lại ở đó, Phan Trí Dũng tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời nhà vệ sinh SuperNova GC-707 vào cuối năm 2006, bổ sung một số tính năng, đẹp hơn, bền hơn... Nhà vệ sinh thông minh 5 sao này đã được xuất khẩu sang một số nước châu Mỹ với giá 39.000 USD/nhà vệ sinh đơn, 78.000 USD/nhà vệ sinh đôi. Theo kỹ sư Phan Trí Dũng, sản phẩm này của VN rẻ hơn gấp 3 - 4 lần so với các sản phẩm của Úc, Mỹ... nhưng được đánh giá là cao cấp hơn. Hiện nay những nhà vệ sinh thông minh của VN đã được lắp đặt tại một số TP ở Trinidad, Barbados...
Một sáng chế khác của PETECH được bầu chọn là sản phẩm công nghệ tiêu biểu nhất của TPHCM năm 2006, đó là sản phẩm bể tự hoại BiofastTM, vận hành tự động bằng hệ thống điện tử kỹ thuật số được lắp đặt trên tàu lửa 5 sao. Bể tự hoại chuyên dụng này có khả năng xử lý hơn 50.000 lượt sử dụng mà không cần hút thải, nước và khí thải của BiofastTM hoàn toàn vô trùng và không mùi. So với các sản phẩm nhập ngoại cùng loại, giá thành sản phẩm “made in VN” này của thầy trò Phan Trí Dũng chỉ bằng 30%. Sau gần 2 năm lắp đặt trên các tuyến tàu lửa đạt hiệu quả sử dụng cao, PETECH đang tiến hành chuyển giao công nghệ cho một công ty sản xuất cơ khí đường sắt để tập trung đầu tư nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm mới đó là hệ thống xử lý nước thải, khí thải đô thị BiofastTM ATC.
Giải pháp mới để cải thiện môi trường
Nỗi trăn trở của kỹ sư Phan Trí Dũng, đó là môi trường ở các đô thị hiện nay ô nhiễm quá nặng nề. Anh đã chế tạo ra bể tự hoại BiofastTM trên tàu lửa, tại sao lại không tiếp tục một giải pháp để cải thiện môi trường? Và ý tưởng đã trở thành hiện thực sau hàng tháng trời mày mò nghiên cứu, chế tạo. Theo kỹ sư Dũng, hệ thống xử lý nước thải tại các đô thị VN hiện nay đều phải xây bể ngầm trong lòng đất, tốn rất nhiều diện tích nhưng khi muốn thay đổi công nghệ, công suất thì lại phải đập bỏ rất lãng phí, tốn kém.
Kỹ sư Phan Trí Dũng với sản phẩm máy phát truyền thanh kỹ thuật số do anh sáng chế |
Hơn nữa, mùi hôi thối tại các bể chứa này gây ô nhiễm trầm trọng đến môi trường xung quanh do diện tích tiếp xúc giữa bể và nước thải quá lớn. Nắm được điểm yếu này, kỹ sư Dũng đã cho ra đời hệ thống xử lý chất thải, khí thải BiofastTM ATC chuyên dụng tự động, không cần công nhân vận hành, các thiết bị xử lý khí thải được đặt trong các thùng thép không gỉ trên các container có thể tích 35 m3, dễ dàng cẩu lắp hoặc di dời đến các địa điểm khác nhau. Nước thải và khí thải được hệ thống này xử lý sẽ không mùi và tiệt trùng trước khi được xả ra môi trường, chấm dứt tình trạng ô nhiễm sông biển và hôi thối kéo dài ở các khu dân cư, đô thị. Nha Trang và Đà Nẵng là hai đô thị đầu tiên xem xét khả năng ứng dụng sản phẩm này của kỹ sư Phan Trí Dũng.
Làm trước, lấy tiền sau
“Tâm lý của người VN nói chung và một số đơn vị trong ngành môi trường là ngại ứng dụng công nghệ mới và niềm tin đối với công nghệ do người Việt sáng chế còn thấp. Do đó, tôi đã làm ra một hệ thống hoàn chỉnh, mức công suất hữu dụng, được kiểm định kỹ càng và sẽ không lấy tiền nếu hệ thống vận hành không như cam kết” - kỹ sư Phan Trí Dũng cho biết. Với số vốn bỏ ra hàng tỉ đồng, nhưng vị chủ tịch hội đồng quản trị 47 tuổi này đã quyết định “làm trước, lấy tiền sau”: “Làm khoa học cũng phải có rủi ro, nhưng tôi chấp nhận hy sinh mất mát, kể cả con người và tiền của, miễn sao sản phẩm khoa học của chúng tôi làm ra được ứng dụng trong đời sống, giúp một phần cải thiện môi trường hiện nay” - kỹ sư Dũng tâm huyết nói.
Nhớ lại quãng thời gian làm khoa học đầy thử thách cùng các đồng sự trong công ty, Phan Trí Dũng trầm ngâm nói: “Có những lúc chúng tôi phải theo đuổi việc sáng chế thời gian rất dài, đến khi sản phẩm sắp thành công thì cũng là lúc dễ thất bại nhất, nhiều người không thể cầm cự nổi và đã ra đi vào thời điểm đó.
Đó cũng là lúc tôi nhận biết được ai là người đam mê khoa học thật sự và muốn đi chung con đường với tôi”. Hiện nay PETECH có trên 100 nhân viên, bao gồm rất nhiều kỹ sư trẻ, tài năng, họ đã sát cánh cùng anh làm ra những sản phẩm có giá trị. “Điều tôi đau khổ nhất là mức thuế nhập khẩu đối với linh kiện dùng để làm ra sản phẩm công nghệ giúp bảo vệ môi trường luôn cao gấp đôi mức thuế đối với rượu, bia, thuốc lá. Hơn nữa, cơ chế đăng ký sở hữu trí tuệ hiện nay quá nhiều bất cập, có sản phẩm của tôi 3 năm sau ngày làm đơn mới được chấp nhận, trong khi qua chừng ấy thời gian, sản phẩm đó đã trở nên lạc hậu mất rồi!” - kỹ sư Dũng trầm tư.
Bình luận (0)