Theo Sci-News, một nhóm khoa học gia từ Đại học Brown (Mỹ) đã đưa ra bằng chứng cho thấy Sao Kim - hành tinh gần Trái Đất nhất - đã có hoạt động kiến tạo mảng từ hàng tỉ năm về trước.
Phát hiện này củng cố thêm giả thuyết rằng Sao Kim có sự sống, ít nhất là sự sống cổ đại.
Sao Kim - Ảnh: NASA
Trên Trái Đất, kiến tạo mảng xảy ra liên tục trong hàng tỉ năm giúp hình thành các lục địa, đại dương, núi non... mới.
Quá trình này cũng dẫn đến các phản ứng hóa học giúp ổn định nhiệt độ bề mặt hành tinh, ổn định khí quyển, từ quyển, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của sự sống và thậm chí đóng góp vào các phản ứng tạo ra sự sống sơ khai.
Sao Kim vốn được nhiều nghiên cứu - bao gồm các nghiên cứu từ các cơ quan vũ trụ hàng đầu của Mỹ, châu Âu là NASA, ESA - chứng minh đã được sinh ra như "anh em song sinh" của Trái Đất.
Cùng với Trái Đất và Sao Hỏa, Sao Kim nằm trong vùng Goldilocks (vùng sự sống) của hệ Mặt Trời có toàn bộ các điều kiện cần thiết để sống được.
Tuy nhiên quá trình tiến hóa hành tinh không may đã khiến nó trở thành một thế giới quay cực chậm, có hiệu ứng nhà kính vô cùng khắc nghiệt, cũng như rất nóng.
Trước khi bị hiệu ứng nhà kính bủa vây, Sao Kim từng có sự sống như Trái Đất hay không vẫn còn là một câu đố. Trở ngại lớn nhất là vỏ hành tinh này liền mạch chứ không được cấu thành bởi hàng chục mảnh - chính là các mảng kiến tạo - như Trái Đất.
Nhưng nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications cho thấy không phải lúc nào vỏ Sao Kim cũng vậy.
NASA, ESA đã tìm ra sự phong phú của ni-tơ và carbon trong bầu khí quyển Sao Kim, điều chỉ có thể giải thích bởi quá trình kiến tạo mảng cổ đại, thông qua hàng loạt mô phỏng mà nhóm khoa học gia Mỹ đã xây dựng.
Cũng như các yếu tố khác, các quá trình tiến hóa không may của Sao Kim đã khiến kiến tạo mảng chậm lại rồi ngừng lại, để lại một lớp vỏ liền mạch, chết chóc.
"Điều này củng cố khả năng tồn tại sự sống trên Sao Kim cổ đại, cho thấy tại một thời điểm, cả hai hành tinh cạnh nhau, tương đương về kích thước, khối lượng, mật độ, thể tích, đã giống nhau hơn suy nghĩ trước đây - TS Matt Weller từ Đại học Brown và Viện Mặt trăng và hành tinh (Mỹ) phân tích.
Theo đồng tác giả Alexander Evans từ Đại học Brown, điều này cũng cho thấy các hành tinh có thể ra khỏi các trạng thái kiến tạo khác nhau, Trái Đất cũng không ngoại lệ.
Điều này có nghĩa tình trạng kiến tạo mảng liên tục giúp nuôi dưỡng sự sống hàng tỉ năm qua không phải là mãi mãi.
Bình luận (0)