Hành tinh đang được các nhà thiên văn hướng đến mang tên K2-18b, hành tinh gần sao mẹ hơn trong số 2 hành tinh quay quanh K2-18. Theo nhóm nghiên cứu từ Viện Thiên văn học tại Đại học Cambridge (Anh), hoàn toàn có thể nói K2-18 là một hành tinh có thể sống được.
K2-18b có bán kính gấp 2,6 lần trái đất và khối lượng gấp 8,6 lần. Trước đây, người ta cho rằng nó là một "tiểu Hải Vương Tinh", tức cũng là một hành tinh đá như trái đất chúng ta, nhưng có bầu khí quyển dày đặc hydro, khiến nhiệt độ và áp suất ở bề mặt của lớp nước trên hành tinh không phù hợp với sự sống.
Ảnh đồ họa mô tả siêu trái đất mới được phát hiện - ảnh: AMANDA SMITH
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã phân tích rõ ràng hơn thành phần và cấu trúc của bầu khí quyển K2-18b. Họ xác nhận đó là một bầu khí quyển giàu hydro nhưng không quá dày, có một lượng hơi nước đáng kể. Thành phần amoniac và metan trong khí quyển cũng ở mức phù hợp để gợi ý rằng tồn tại các quá trình sinh học trong thế giới bên dưới.
Bài công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters cũng tiết lộ một số kịch bản trong số các mô hình họ tạo dựng trên máy tính, dựa vào các dữ liệu thực tế của K2-18b cho thấy nó có thể có một thế giới đại dương với nước lỏng, nhiệt độ và áp suất tương tự như đại dương của trái đất.
Hiện nhóm nghiên cứu đang nỗ lực tính toàn chính xác hơn độ dày của lớp hydro để hiểu hơn về thế giới mà hành tinh này còn che giấu. Nhưng đã có thể khẳng định, nó không phải một tiểu Hải Vương Tinh, mà là một siêu trái đất với rất nhiều đặc điểm tương đồng địa cầu của chúng ta.
Siêu trái đất này quay quanh sao mẹ mỗi 33 ngày, có khoảng cách với sao mẹ là 0,15 đơn vị thiên văn. Một đơn vị thiên văn chính là khoảng cách giữa mặt trời và trái đất. Tuy nó gần sao mẹ hơn hành tinh chúng ta nhiều, nhưng sao lùn đỏ loại M như K2-18 vốn yếu hơn mặt trời nhiều nên khoảng cách đó lại trở nên phù hợp để hành tinh này có thể nằm trong "vùng sự sống".
Bình luận (0)