Theo các khảo sát, tới gần 1/3 người dân ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc dễ bị đỏ mặt khi uống rượu. Xét về mặt di truyền, hiện tượng này cũng phổ biến ở nhiều quốc gia Châu Á khác, đặc biệt là khu vực Đông Á.
Nguyên nhân là do sự thiếu hụt di truyền một trong các enzyme đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy rượu: aldehyde dehydrogenase.
Nhiều người châu Á mặt đỏ gay khi uống một chút rượu - Ảnh: THE CONVERSATION
Các thông tin trên đã được tiến sĩ Terry Mulhern - giảng viên cao cấp về hóa sinh và sinh học phân tử, Đại học Melbourne (Úc) - đề cập đến trong bài báo vừa đăng tải trên tạp chí The Conversation. Theo tiến sĩ Mulhern, bạn đừng vội khó chịu khi mau đỏ mặt, mau say khi uống rượu.
Có lẽ đôi khi bạn mong muốn được như đàn ông Úc hoặc châu Âu uống bia như nước, mặt không đỏ, không biết say. Nhưng xét dưới góc độ khoa học, chính sự thiếu hụt enzyme và chứng đỏ mặt đã giúp người châu Á ít khổ sở vì chứng nghiện rượu.
Tiến sĩ Mulehrn phân tích: Rượu phân hủy tại gan của bạn trong hai bước. Đầu tiên, men rượu dehydrogenase chuyển đổi rượu thành một chất hóa học khó chịu là acetaldehyde. Sau đó, một enzyme thứ hai, aldehyde dehydrogenase – chính là thứ người Châu Á hay thiếu hụt - lại chuyển acetaldehyde thành acid acetic, một chất vô hại.
Đỏ mặt hay đi kèm với các cảm giác buồn nôn, chóng mặt, nôn nao, tim đập nhanh... khi uống rượu. Ảnh minh họa Internet
Sự thiếu hụt enzyme này khiến bạn phải sớm chịu đựng chất hóa học khó chịu acetaldehyde khi uống rượu và chịu đựng khá lâu. Chất này khiến bạn cảm thấy nôn nao, buồn nôn, đổ mồ hôi, nhức đầu, tim đập nhanh, chóng mặt… - những biểu hiện mà chúng ta hay gọi nôm na là "say rượu".
Chính những cảm giác khó chịu này khiến bạn phải đầu hàng sớm, không thể uống thêm nhiều như người Úc hay Châu Âu. Và vì thế bạn khó lòng nghiện rượu được nên sức khỏe lâu dài được bảo đảm.
Tuy nhiên, có một tin xấu: nếu bạn thuộc nhóm đỏ mặt vì thiếu hụt enzyme nhưng vẫn cố cắn răng chịu đựng mà uống cho đến gục, nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến rượu (như ung thư thực quản) sẽ cao hơn những người uống mà không đỏ mặt. Theo một nghiên cứu về thói quen uống rượu của sinh viên Mỹ gốc Á, trong nhóm này tồn tại một thứ "văn hóa ép uống", rất nguy hiểm.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, một loại thuốc trị nghiện rượu nổi tiếng là Antabuse, vốn lưu hành đã 30 năm được phát hiện có tạo ra sự thiếu hụt aldehyde dehydrogenase. Đáng tiếc là nó chỉ có tác dụng ở một số người và không đủ mạnh.
Bình luận (0)