Công trình vừa đăng tải trên tạp chí Science của Đại học California ở Berkeley (Mỹ) đã nghiên cứu cơ chế sinh học của một loài sóc sống trong cây bạch đàn, quan sát cách thức và thời điểm chúng lao mình từ cành này sang cành khác để từ đó ứng dụng "bộ máy sinh học" này vào công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Khả năng phối hợp, "đồng bộ" giữa tâm trí và cơ thể của những con sóc vượt trội so với bất cứ hệ thống trí tuệ nhân tạo hiện đại nào - Ảnh: THE CONVERSATION
Theo The Telegraph, sóc là sinh vật có các động tác y hệt người nhảy parkour khi chuyền cành, nhưng ở một trình độ vượt xa nhờ khả năng điều chỉnh và cân bằng cơ thể siêu nhanh, tinh chỉnh đến hoàn hảo hàng loạt động tác chỉ trong khoảnh khắc để phù hợp với những khoảng cách và đặc điểm tinh vi nhất giữa các cành cây, để không bao giờ ngã.
Với những tình huống mới và đặc biệt, những con sóc đã sử dụng bộ não nhỏ bé của nó như một nhà khoa học thông minh, huy động mọi kiến thức để thử đi thử lại, thay đổi các thông số để tìm phương án đi đến thành công, và không bao giờ cần đến quá 5 lần thử.
Tờ Scientific American dẫn lời tiến sĩ Robert Full, nhà nghiên cứu cơ sinh học, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết sự phối hợp giữa cơ thể và tâm trí của một con sóc không chỉ gây tò mò cho những người quan sát. Các bước di chuyển được thực hiện hoàn hảo hơn bất cứ sinh vật và cỗ máy hiện đại nào trên thế giới có thể được ứng dụng để thiết kế các robot thông minh hơn, kết hợp một số đặc điểm thể chất của sóc: cột sống linh hoạt, bàn chân rắn chắc và móng vuốt sắc.
Dữ liệu từ "cỗ máy sinh học" – những con sóc – đang được tiếp tục nghiên cứu để đưa vào các hệ thống trí tuệ nhân tạo, từ đó giúp tạo nên những siêu robot có khả năng thích nghi địa hình vượt trội, giúp thay thế con người trong những nhiệm vụ nguy hiểm hay những cuộc khám phá ở những nơi sức người khó lòng tiếp cận.
Bình luận (0)