Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy cho thấy va chạm thiên hà - loại sự kiện mang tính hủy diệt bậc nhất vũ trụ - có thể đủ sức mạnh để giết chết những "quái vật" mạnh mẽ nhất. Trong trường hợp này là các lỗ đen siêu khối, hay còn gọi là lỗ đen "quái vật" ngự trị ở trung tâm các thiên hà. So với lỗ đen thông thường, các lỗ đen này cực lớn, cực mạnh và bền vững, tuy nhiên không thoát được cảnh... chết đói khi các thiên hà đụng độ.
Sagittarius A* - lỗ đen trung tâm của thiên hà chứa Trái Đất - có thể đang ngủ yên vì bị bỏ đói? - Ảnh đồ họa từ NASA
Theo tiến sĩ Yohei Miki từ Đại học Tokyo (Nhật Bản), tác giả chính của nghiên cứu, trước đây người ta cho rằng các vụ va chạm thiên hà cung cấp nhiên liệu cho lỗ đen trung tâm, làm tăng đáng kể hoạt động của nó. Tuy nhiên khi tái hiện mô hình các vụ va chạm, các nhà khoa học phát hiện ra va chạm cũng có thể dẫn đến một "tai nạn" ngoài dự kiến.
Sự tiến hóa động học của vật chất khí bao quanh lỗ đen trung tâm tuy làm "no bụng" lỗ đen, nhưng nếu nó bị quá mức thì vật chất lại bị đẩy ngược ra xa lỗ đen, khiến nó bị bỏ đói trong ít nhất một triệu năm.
Theo Phys.org, các tác giả cho rằng phát hiện mới này sẽ cung cấp góc nhìn mới về sự tiến hóa của Milky Way - thiên hà chứa Trái Đất. Như đã biết, ở trung tâm Milky Way - một thiên hà to lớn, có thể gọi là "quái vật" - là một lỗ đen khủng khiếp xứng tầm. Nhưng lỗ đen đó, mang tên Sagittarius A*, đang ngủ yên một cách khó hiểu. Không loại trừ khả năng trạng thái này đến từ việc bị bỏ đói.
Các vụ đụng độ và sáp nhập thiên hà được ví như "đại hồng thủy vũ trụ", khiến hàng loạt ngôi sao như Mặt Trời va chạm và phát nổ, gây hủy diệt ở quy mô ngoài sức tưởng tượng. Một nghiên cứu công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society vài tháng trước cho thấy Milky Way của chúng ta đã trải qua... 16 vụ va chạm, nhưng vì quá to lớn và mạnh mẽ nên nó luôn nuốt gọn đối thủ. Vụ va chạm tiếp theo ước tính sẽ xảy ra khoảng 2 tỉ năm nữa, lần này là một đối thủ xứng tầm: thiên hà Tiên Nữ (Andromera).
Bình luận (0)