Theo Science Alert, các nhà khoa học đã tìm được thế giới kỳ diệu ở nơi "khó sống như Sao Hỏa": các hang động dung nham cổ đại ở Hawaii.
Đó là dạng các hang động địa nhiệt hoặc hang được tạo ra bởi các ống dung nham và miệng núi lửa, được hình thành trong giai đoạn 65 năm đến 800 ở hòn đảo này, thường chứa các khoáng chất và khí độc hại.
Vi khuẩn bám trắng trên một mỏm đá trong hang động dung nham ở Hawaii - Ảnh: Kenneth Ingham
Tuy nhiên, thảm vi sinh vật phong phú luôn ngự trị ở thế giới cực kỳ khắc nghiệt này. Các nhà khoa học đến từ Đại học Hawaii - Mỹ đã thu thập dữ liệu trong 2 giai đoạn từ 2006-2009 và 2017-2019, giúp hé lộ những dạng sống "độc đáo hơn mong đợi".
Khi giải trình tự 70 mẫu gien RNA và đem đối chiếu với các loài đã biết ở phần còn lại của thế giới, họ đã không thể tìm thấy sự trùng khớp hoặc ít nhất là không có sự trùng khớp nào mang tính tin cậy cao.
"Điều này cho thấy các hang động cổ đại này là những hệ sinh thái đa dạng chưa từng được khám phá" - Các tác giả viết trong bài công bố trên Frontiers in Microbiology.
Các mẫu ở các hang động cũ nhất, tuổi đời từ 500 đến 800 năm, chứa các quần thể vi sinh vật đa dạng nhất, trong khi các mẫu "trẻ" dưới 400 năm thì quần thể tuy ít phong phú nhưng tương tác phức tạp hơn, quan hệ họ hàng xa hơn, cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt khi mà các loài gần giống nhau khó có cơ hội sống sót cùng nhau.
Có vẻ như sự khắc nghiệt của môi trường là yếu tố cốt yếu để tạo ra những loài dị biệt, khác với phần còn lại trên thế giới, tự thiết lập nên những cộng đồng lớn có các hình thức tương tác loài cũng đặc biệt không kém.
Bình luận (0)