Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh TESS của NASA đã phát hiện ra một cặp hành tinh lạ lùng quay quanh một ngôi sao lùn mang tên TOI-216, cách chúng ta khoảng 583 năm ánh sáng.
Hai hành tinh khí khổng lồ và sao mẹ TOI-216 tỏa sáng phía xa - ảnh đồ họa của SCI-NEWS
Mặc dù "mặt trời" TOI-216 có đường kính chỉ bằng 84% mặt trời của chúng ta nhưng 2 hành tinh quay quanh nó lại cực kỳ to lớn. Đó là 2 hành tinh khí, tức dạng hành tinh giống như Sao Mộc của Hệ Mặt trời.
Hành tinh thứ nhất TOI-216b có kích thước khoảng 8,2 lần trái đất nhưng nặng gấp 26 lần hành tinh chúng ta. "Gã khổng lồ" xa sao mẹ hơn một chút, mang tên TOI-216c, lớn gấp 11,3 lần trái đất nhưng nặng hơn đến 190 lần. 2 hành tinh này đều rất nóng, có nhiệt độ bề mặt trung bình lần lượt là 357oC và 224oC.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu sâu hơn về 2 "gã khổng lồ khí" này và hứa hẹn công bố bài báo chi tiết trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society trong thời gian gần nhất.
TESS là một trong những vệ tinh mang nhiệm vụ tìm các ngoại hành tinh, nhất là các "bản sao trái đất" của NASA, được ra mắt vào tháng 4-2018.
NASA sẽ phóng thợ săn hành tinh siêu hạng
NASA vừa tiết lộ về kế hoạch phóng một "kính viễn vọng không gian sâu" có hình thức khá tương đồng kính viễn vọng không gian kiêm tàu vũ trụ Hubble nổi tiếng nhưng mạnh gấp 100 lần. Đây sẽ là thiết bị thay thế cho Kính viễn vọng không gian Kepler, gã "thợ săn hành tinh" đã kết thúc nhiệm vụ vào tháng 10 năm ngoái, sau khi tìm kiếm được 2.600 hành tinh ngoài Hệ Mặt trời.
Ảnh mô phỏng WFIRST, một "Superhubble" đang được NASA gấp rút hoàn thành - ảnh: NASA
Kính viễn vọng không gian mới tên là WFIRST, có nhiệm vụ "săn" ít nhất 1.400 ngoại hành tinh và hàng trăm thiên hà xa xôi, đồng thời tìm hiểu về năng lượng tối và sự hình thành các thiên hà. Dự tính ít nhất đến giữa năm 2020, kính viễn vọng không gian này mới có thể ra mắt công chúng.
Bình luận (0)