Một nghiên cứu đa quốc gia vừa công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters đã trình bày những dữ liệu đáng ngạc nhiên về một "bản sao trái đất" cách chúng ta khoảng 11 năm ánh sáng: Ross 128b.
Hành tinh mới phát hiện có thể có khí hậu dễ chịu và khả năng tồn tại sự sống còn cao hơn cả trái đất - ảnh mô phỏng của ESO
Ross 128b thuộc về một hệ mặt trời khác với trung tâm là sao lùn đỏ Ross 128, còn có tên là Proxima Virginis, thuộc chòm sao Xử Nữ. Ross 128b nhỏ hơn trái đất 1,7 lần và gần ngôi sao trung tâm hơn khoảng cách giữa trái đất và mặt trời tới 20 lần. Một năm trên hành tinh này chỉ khoảng 9,9 ngày.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, tiến sĩ Diogo Souto đến từ Đài Quan sát quốc gia Brasil, cho biết các tính toán cho thấy sự cân đối giữa khoảng cách và nhiệt lượng ngôi sao trung tâm tỏa ra giúp khí hậu ở đa số các vùng trên Ross 128b giống như khí hậu vùng ôn đới của trái đất, vô cùng dễ chịu.
Cụ thể, khu vực ấm áp rộng lớn có thể có nhiệt độ lên đến 20 độ C, trong khi nơi lạnh nhất ở các địa cực là âm 60 độ C.
Đáng ngạc nhiên hơn, khi tính đến các yếu tố hỗ trợ sự sống, hành tinh này cho thấy khả năng xuất hiện sự sống cao hơn trái đất của chúng ta đến 1,35 lần.
Theo đồng tác giả Johanna Teske, đến từ Viện khoa học Carnegie (Washington DC - Mỹ), hiện nhóm của họ đang tiếp tục tìm hiểu về bầu khí quyển nơi đó và rất hy vọng nó khá giống với trái đất.
Nhóm tác giả cũng hy vọng một "siêu kính thiên văn" đang được xây dựng ở Đài thiên văn La Silla (Chile) sau khi hoàn thành sẽ giúp họ trong việc quan sát và đánh giá các dấu ấn sinh học trên hành tinh này. Việc tìm thấy sự sống ở đây có vẻ rất khả quan sau các phát hiện mới và đây cũng là một trong các bản sao trái đất gần nhất mà giới khoa học tìm thấy từ trước đến nay, với khoảng cách chỉ 11 năm ánh sáng.
Bình luận (0)