ALMA là hệ thống quan sát thiên văn mạnh mẽ đặt tại hoang mạc tử thần Atacama của Chile. Nhóm khoa học gia từ Đại học Florida - Mỹ đã sử dụng bộ dữ liệu tinh thế mà nó thu thập được để phát hiện ra một thé giới mới cách chúng ta khoảng 395 năm ánh sáng.
Theo SciTech Daily, hướng về chòm sao Xà Phu, ALMA đã ghi lại một đốm sáng bí ẩn phát ra giữa vùng trống trải quanh ngôi sao. Xem xét kỹ đốm sáng, các nhà khoa học nhận thấy đó phải là một hành tinh.
Ngôi sao còn nguyên đĩa tiền hành tinh - những vòng khí bụi màu tím - AS 209 - Ảnh: ALMA
Ngôi sao mẹ AS 209 chỉ mới 1,6 triệu tuổi, tức vừa chớm đến tuổi có thể sinh ra hành tinh. Như vậy, hành tinh bí ẩn này có thể là hành tinh trẻ tuổi nhất từng được khám phá trong thiên hà chứa Trái Đất Milky Way.
Hành tinh mới trẻ đến nỗi nó chưa thực sự là một hành tinh, mà chỉ là một cấu trúc sơ khai vừa nổi lên trong đĩa tiền hành tinh của ngôi sao mẹ. Sao mẹ AS 209 cũng là 1 trong 3 ngôi sao hiếm hoi từng được phát hiện trong giai đoạn còn nguyên đĩa tiền hành tinh, và nó là cái trẻ nhất.
Nói cách khác, khoảnh khắc ngoạn mục này đã đưa đến một "cửa sổ thời gian" giúp các nhà thiên văn khám phá cách mà một hệ sao trẻ bắt đầu sinh ra những hành tinh của mình, cũng như Hệ Mặt Trời hàng tỉ năm về trước.
Nó cũng sẽ đem đến những dữ liệu "ngàn năm có một" về cách mà một hành tinh - như thế giới chúng ta đang sống bên trên - đã ra đời.
"Cách tốt nhất để nghiên cứu sự hình thành hành tinh là quan sát các hành tinh khi chúng đang hình thành" - giáo sư Jaehan Bae, tác giả chính của nghiên cứu, kết luận.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters.
Bình luận (0)