Hành tinh kỳ lạ mang tên KELT-9b, thuộc dạng "Sao Mộc nóng", tức một hành tinh khí khổng lồ tương tự Sao Mộc của Hệ Mặt Trời, nhưng lại quay quá gần sao mẹ nên có nhiệt độ "địa ngục".
Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ John Ahlers từ Trung tâm Hàng không Vũ trụ Goddard của NASA đã phát hiện ra điểm có 1 không 2 của hành tinh này: nó quá lớn, có lực hấp dẫn quá mạnh và lại nằm quá gần sao mẹ, nên đã làm sao mẹ biến dạng.
Ảnh đồ họa mô tả hành tinh "xuyên không" kỳ lạ khi nhìn từ ngôi sao mẹ méo mó của nó - ảnh: NASA’s Goddard Space Flight Center / Chris Smith, USRA.
Cụ thể, ngôi sao mẹ mang tên KELT-9 nóng gần gấp đôi Mặt Trời (9.900 độ C) như bị nén phẳng ở 2 cực, phình ra ở vùng xích đạo chứ không hoàn toàn tròn nữa. 2 cực sao trở nên nóng khủng khiếp, trong khi xích đạo thì bị nguội đi.
Điều này tác động trở ngược lại hành tinh KELT-9b. Mặt phẳng quỹ đạo của nó gần như trùng khớp với mặt phẳng chứa đường thẳng nối 2 cực. Vì vậy mỗi năm nó sẽ có 2 mùa hè "địa ngục" mỗi lần ở gần các cực của ngôi sao mẹ; đồng thời lại có 2 mùa đông rõ rệt khi đi ngang vùng xích đạo mát hơn.
Hành tinh này lại quay rất nhanh, chỉ mất khoảng 36 giờ để hoàn thành 1 "năm", tức cứ mỗi 36 giờ ở đây đã kịp trôi qua 2 mùa hè và 2 mùa đông. Vì vậy nếu bạn ở đó, bạn sẽ có cảm giác như lọt thỏm vào một câu chuyện xuyên không: ngủ một giấc đêm dậy là cảnh vật, thời tiết đã chuyển hẳn từ hè sang đông hay ngược lại, như bị đem đến một vùng không - thời gian khác trong chớp mắt.
Tuy nhiên, chắc chắn bạn sẽ không có cơ hội đó, bởi các Sao Mộc nóng rất nóng, và KELT-9b thuộc dạng siêu nóng: trung bình 4.327 độ C ở mặt ban ngày. Hành tinh này chia làm 2 mặt như mặt trăng của chúng ta, 1 ban ngày, 1 ban đêm, vì nó cũng bị khóa vào sao mẹ theo cách mặt trăng bị khóa vào Trái Đất.
Nghiên cứu vừa công bố trên Astronomical Journal này cũng tiết lộ sự khổng lồ của hành tinh: đường kính gấp 1,8 lần và khối lượng gấp 2,9 lần Sao Mộc, tức nặng gấp 922 lần Trái Đất!
Bình luận (0)