Cả 2 hành tinh mang tên TOI-1130b và TOI-1130c đều là 2 hành tinh khí khổng lồ, đồng dạng với Sao Mộc. Thế nhưng trái với Sao Mộc khá lạnh và đầy mây phủ, 2 hành tinh này thực sự là những địa ngục với nhiệt độ hoàn toàn không phù hợp cho sinh vật sống.
Sau phát hiện ban đầu của TESS, các nhà thiên văn từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã dùng một số hệ thống kính viễn vọng mặt đất như Pan-STARSS, TRAPPIST-South và SMARTS để thu thập thông tin rõ ràng hơn về 2 hành tinh đáng sợ này.
Minh họa về hệ thống TOI-1130 - ảnh: SCI-NEWS
TOI-1130b có kích cỡ tương đương Sao Hải Vương, một năm ở đó chỉ bằng 4,1 ngày trên trái đất bởi nó rất gần với sao mẹ, vòng quay rất ngắn. Nhiệt độ bề mặt của hành tinh này lên tới 527 độ C.
TOI-1130c "nguội" hơn một chút nhưng vẫn đủ chết chóc: 364 độc C, quay quanh sao mẹ mỗi 8,4 ngày. Thế giới này có kích thước 0,97 lần Sao Mộc nhưng bán kính tới 1,5 lần.
Còn ngôi sao mẹ TOI-1130 là một ngôi sao cổ đại có tuổi đời lên đến 8,2 tỉ năm tuổi, tức già hơn mặt trời của chúng ta khoảng 3 tỉ năm tuổi. Đó là một ngôi sao loại K7 có kích thước nhỏ hơn mặt trời khoảng 32%.
Dạng hệ hành tinh này được coi là hiếm gặp trong vũ trụ. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu về nó thông qua các kính viễn vọng mặt đất cũng như nhờ sự trợ giúp của Kính viễn vọng không gian Hubble (NASA/ESA), thiết bị có thể bắt được các tín hiệu khí quyển của TOI-1130c.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters.
Bình luận (0)