Công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience, công trình đứng đầu bởi tiến sĩ Jun Korenaga từ Đại học Yale, tiến sĩ Jeffery Bada từ Viện Hải dương học Scripps (Mỹ) và tiến sĩ Carlos Rosas từ Trung tâm nghiên cứu khoa học và giáo dục Đại học Ensenada (Mexico) đã đưa ra kịch bản trái ngược hoàn toàn với giả thuyết lâu đời "sự sống Trái Đất bắt nguồn từ đại dương".
Ảnh đồ họa mô tả Trái Đất cổ đại, theo nghiên cứu mới - Ảnh: Michael S. Helfenbein
Các tác giả cho rằng trong buổi bình minh của Trái Đất, khi hành tinh vừa mới ổn định và sinh ra các đại dương, chưa có lục địa, thì toàn bộ đất đai là vài hòn đảo bé nhỏ nổi lên giữa biển khơi. Đó là quãng thời gian từ 4 tỉ đến 2,5 tỉ năm trước, thuộc "liên đại Thái Cổ".
Kết quả nghiên cứu địa hình Trái Đất liên đại Thái Cổ dựa trên các bằng chứng địa chất và hóa học còn tồn tại cho đến ngày nay cho thấy sự hình thành kỳ dị của các đảo cổ xưa này. Trước đó, Trái Đất non trẻ được "đun nóng" do hiện tượng phân hủy của các nguyên tố phóng xạ trong lớp phủ sâu sơ khai. Nhiệt này có xu hướng đẩy lên trên, làm tăng độ cao của bề mặt hành tinh. Trong liên đại Thái Cổ, sự sưởi ấm phóng xạ này mạnh mẽ hơn. Ngay cả khi lớp vỏ đại dương đã nguội đi và định hình, một số chỗ vẫn bị đẩy lên quá cao, tạo thành những hòn đảo.
Trên những hòn đảo này xuất hiện những ao nước ấm, là môi trường thuận lợn để nhận và nuôi dưỡng những "mầm sự sống" từ không gian, như các nguyên tố hữu cơ và cả tiền thân của axit amin, những thứ sau này sẽ trải qua các phản ứng hóa học để dần hình thành các phân tử phức tạp hơn như protein, DNA, RNA.
Nói trên Live Science, các tác giả cho biết các bằng chứng tạo dựng nên giả thuyết thú vị này chỉ mới là bằng chứng địa chất. Họ vẫn đang nỗi lực để phân tích và xác định các cơ chế hóa học thuận lợi hay bất lợi với sự sống nếu nó được phát sinh từ đất liền.
Bình luận (0)