Phát hiện vẫn chưa được xuất bản chính thức trên tạp chí khoa học, nhưng đã được trình bày sơ lược tại Hội nghị khoa học Mặt trăng và hành tinh lần thứ 54 (Texas - Mỹ), trong đó nhóm khoa học gia quốc tế từ Úc, New Zealand, Áo, Argentina cho biết các mảnh vỡ đó chính là phần còn lại của tiểu hành tinh cổ xưa nhất va vào Trái Đất mà nhân loại từng biết.
Được khoan lên từ một nhóm đá núi lửa của Pilbara Craton - tàn tích nguyên sơ của địa cầu hàng tỉ năm trước - các mảnh vỡ có niên đại lên tới 3,48 tỉ tuổi, già hơn khoảng 10 triệu năm so với những tiểu hành tinh xa xưa nhất từng được tìm thấy trước đây.
Các mảnh vỡ ngoài hành tinh cổ xưa đã được tìm thấy ở Úc - Ảnh minh họa từ SCIENCE TIMES
Nhóm nghiên cứu kết luận các mảnh vỡ này có nguồn gốc ngoài hành tinh khi phân tích thành phần hóa học của chúng, để lộ các các nguyên tố nhóm bạch kim có hàm lượng cao hơn nhiều so với đá Trái Đất, cũng như một số khoáng chất đặc biệt chỉ được tìm thấy trong thiên thạch.
Các mảnh vỡ cũng có hình cầu hoặc giọt nước kỳ lạ, đặc trưng của các "quả cầu va chạm" thường được tìm thấy khi thiên thạch lao xuống Trái Đất.
Bằng chứng về sự va chạm thiên thạch cổ đại với Trái Đất thường khó tìm thấy do quá trình kiến tạo mảng và xói mòn liên tục đảo tung tất cả đất đai của hành tinh.
Nhưng với Pilbara Craton, một mảnh nền cổ đại còn sót lại từ hàng tỉ năm trước, chúng đã được bảo lưu một cách ngoạn mục. Tìm ra các vị khách ngoài hành tinh cổ đại này là điều cực kỳ đáng giá, bởi có thể giúp tìm hiểu nhiều điều về lịch sử Trái Đất và cách mà địa cầu đã "trưởng thành" nhờ nhiều yếu tố ngoại nhập - bao gồm cả giả thuyết rằng sự sống do tiểu hành tinh và sao chổi gieo mầm.
Bình luận (0)