Nghiên cứu của tiến sĩ Sara Seager từ Viện Công nghệ Massachusetts và tiến sĩ Clara Sousa-Silva, nhà vật lý thiên văn từ Đại học Harvard (Mỹ) đã xác định được dấu vết khí "ma trơi" phosphine, công thức hóa học PH3, trong những đám mây bí ẩn của Sao Kim.
Phát hiện này xảy ra bất ngờ trong quá trình phân tích dữ liệu hình ảnh về Sao Kim được tàu vũ trụ Akasuki của Nhật Bản ghi lại năm 2016.
Sao Kim - ảnh: NASA
Trên Trái Đất, phosphine được tìm thấy với số lượng hạn chế trong đường ruột của người và cá, trên đồng lúa nước, quá trình phân hủy xác động thực vật… Trong thời tiết mưa phùn, nơi tập trung nhiều phosphine có thể tạo hiện tượng "ma trơi". Tuy bốc mùi tỏi khó ngửi và có thể gây độc ở số lượng lớn, nhưng ở đâu có sản phẩm "phế thải" này của sinh vật, ở đó có khả năng tồn tại sự sống.
Ở Sao Kim, các nhà khoa học tin rằng đó là dấu hiệu tồn tại của các vi khuẩn, một dạng sống ngoài hành tinh cấp thấp thường được trông đợi ở các thế giới khó lòng xuất hiện nền văn minh. Theo tiến sĩ Sara Seager, đây là một phát hiện nằm ngoài dự đoán. Nó chắc chắn thúc đẩy nhiều nghiên cứu hơn về khả năng tồn tại sự sống trong bầu khí quyển của Sao Kim.
Tại Hội nghị Khoa học Sinh học thường niên ở Mỹ diễn ra tháng 6 năm ngoái, một nghiên cứu khác của đồng tác giả Clara Sousa-Silva đã đề nghị sử dụng phosphine như một dấu hiệu để tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh. Lúc đó, bà đã đề nghị truy tìm dấu hiệu hóa học của loại khí này trên các hành tinh ngoài hệ mặt trời có khí hậu ôn đới.
Tiến sĩ David Grinspoon thuộc Viện Khoa học Hành tinh ở Tucson (Arizona, Mỹ), người không tham gia nghiên cứu, bình luận rằng đây có thể là quan sát đầu tiên của chúng ta về một sinh quyển ngoài hành tinh. Và thật vô cùng may mắn, nó là hành tinh gần chúng ta nhất trong toàn bộ vũ trụ.
Sao Kim, hành tinh gần Trái Đất và có thể nhìn thấy rõ nhất trên bầu trời dưới hình dáng Sao Hôm và Sao Mai, từng được các nghiên cứu của NASA xác định là một "bản sao" hoàn hảo của Trái Đất từ khi mới ra đời, cùng nằm trong "vùng sự sống" Goldilocks của Mặt Trời chung với Trái Đất và Sao Hỏa. Nhưng quá trình tiến hóa kém may mắn đã khiến nó bị biến thành "địa ngục" với hiệu ứng nhà kính khắc nghiệt, nhiệt độ trở nên cao hơn cả Sao Thủy và quay cực chậm, nên giới thiên văn tin rằng sự sống không thể tồn tại.
Bình luận (0)