Theo Economic Times, phát hiện trên đến từ nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Tiến sĩ Lorena Hernandez-Garcia thuộc Hiệp hội thiên văn Hoàng gia Anh (RAS).
PBC J2333.9-2343 là một thiên hà vô tuyến khổng lồ, kích thước có thể gấp nhiều lần thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà).
Ở tâm của nó là một lỗ đen quái vật thường xuyên phát ra dòng vật chất phản lực từ cả 2 phía. Chỉ các dòng phản lực này đã dài gấp 40 lần đường kính cả Ngân Hà, tức 4 triệu năm ánh sáng.
Lỗ đen quái vật - Ảnh đồ họa từ NASA
Các nhà khoa học đã nhận thấy sự thay đổi bất thường ở thiên hà này, mà nguyên nhân được xác định là do các dòng phản lực đã đổi hướng, cho thấy lỗ đen quái vật và có thể là cả thiên hà cũng đang đổi hướng.
Chúng đã quay tới 90 độ kể từ khi được phát hiện. Một cách kinh dị, lỗ đen quái vật - biệt danh các nhà thiên văn đặt cho các lỗ đen siêu khối ở tâm thiên hà - đang "há miệng" thẳng về phía Trái Đất.
Sự thay đổi đáng chú ý này cũng có nghĩa là thiên hà hiện được phân loại là "blazar", loại thiên hà có dòng phản lực hướng về Trái Đất. Chúng là nhóm vật thể có năng lượng rất cao - một trong những hiện tượng mạnh mẽ nhất vũ trụ.
Các nhà thiên văn cũng xác định vật chất phản lực từ lỗ đen đã tạo ra 2 thùy khổng lồ ở hai bên của thiên hà và chúng gần như là thứ đáng chú ý ngay lập tức khi quan sát chúng bằng sóng vô tuyến.
"Thực tế là chúng ta thấy hạt nhân không còn cung cấp năng lượng cho các thùy nữa, nghĩa là chúng đã rất già. Chúng là di tích của hoạt động trong quá khứ, trong khi các cấu trúc nằm gần nhân hơn đại diện cho các tia trẻ hơn đang hoạt động" - tiến sĩ Hernandez-Garcia cho biết.
Các nhà khoa học không chắc chắn nguyên nhân gây ra sự đổi hướng, nhưng đưa ra giả thuyết rằng nó đã va chạm với một thiên hà khác. Không rõ hướng của lỗ đen sẽ ảnh hưởng đến thiên hà của chúng ta như thế nào.
Nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí của RAS.
Bình luận (0)