Theo Science Alert, các nhà khoa học thuộc Hiệp hội bảo tồn Sea Shepherd đã chụp ảnh được một sinh vật kỳ lạ, được xác định là một loài mới thuộc nhóm cá voi mõm khoằm, không giống với bất cứ thứ gì được ghi nhận trước đó, đang bơi lội ven biển Mexico
Những bức ảnh quý giá về loài "thủy quái" chưa từng thấy trên thế giới và hình ảnh tàu thăm dò của Sea Shepherd - Ảnh: SEA SHEPHER / DAILY MAIL.
Cuộc tìm kiếm này bắt nguồn từ BW43, một "tiếng hát" lạ quanh quần đảo San Benito của Mexico. Nó được đem đối chiếu với dữ liệu từ âm thanh của tất cả các loài cá heo và cá voi trên thế giới, nhưng không phù hợp với bất cứ cái nào, chỉ có thể nói là nó gần giống loài cá voi mõm khoằm Perrin, một loài "ma" chỉ được xác nhận duy nhất qua 5 xác chết trôi dạt vào California (Mỹ) từ năm 1975 đến 1997.
Nhưng theo tiến sĩ Peter Hammarstedt, giám đốc chiến dịch Sea Shepherd, hình ảnh mới đã cho thấy "thủy quái" ở Mexico không phải Perrin. Nó rất có thể là một loài mới, dù cần phải xác minh thêm.
Đây là một nhiệm vụ thú vị bởi cá voi mõm khoằm đặc biệt hiếm trên thế giới. Chúng thường sống ở vùng biển sâu và dành hầu hết thời gian ở vùng nước tối hàng nghìn mét dưới mặt biển. Một nghiên cứu vào tháng trước đã ký giải điều này khi đo được thời gian nín thở khi lặn dưới nước của loài cá voi mõm khoằm Cuvier là 4 giờ, gấp nhiều lần so với các loài cá voi khác, vốn phải trồi lên thở sau ít phút bởi bản chất chúng là động vật có vú chứ không phải cá.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu nước nơi chụp được ảnh "thủy quái" để mong chắt lọc được một số vật chất di truyền. Vài mảng da bong tróc hay phân có thể giúp xác định loài thông qua phân tích DNA, dù đối chiếu để phân loại là một nhiệm vụ khó khăn, bởi ngân hàng di truyền về họ hàng cá voi mõm khoằm là cực kỳ hiếm. Hiện nay người ta đã phát hiện được 23 loài, trong đó nhiều loài chỉ là "bóng ma" - tức được xác định qua các cá thể đã chết, trôi dạt vào bờ biển.
Bình luận (0)