Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí PNAS cho biết đó là một khe hở của Trái Đất, với cổng vào cách bề mặt Trái Đất 100 km, thông tới độ sâu 1.600 km dưới lòng đất, cho phép dòng vật liệu sâu từ lớp phủ của hành tinh di chuyển từ phía dưới quần đảo Galápagos đến khu vực bên dưới Panama.
Bản vẽ 3D địa hình Panama - Ảnh: FrankRamspot
Theo Science Alert, đó là một hình thức luân chuyển vật liệu chưa từng được phát hiện trước đây và được cho là nguyên nhân khiến ở Panama có rất ít núi lửa hoạt động. Các nghiên cứu địa chất trước đó cho thấy ở bờ biển phía Tây Trung Mỹ, mảng kiến tạo Cocos đang lặn xuống và đẩy lớp vỏ đại dương chui xuống bên dưới lớp lục địa của các mảng kiến tạo Bắc Mỹ, tạo ra một vùng hút chìm, hình thành Vòng cung núi lửa Trung Mỹ.
Nhưng núi lửa dừng lại ở phía Tây Panama, theo nhà địa hóa và hóa học biển David Bekaert từ Viện hải dương học Wood Hole (Massachusetts, Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu.
Đường hầm địa chất vừa phát hiện, đóng vai trò như một cửa sổ, một khoảng hở kỳ lạ và vô tình ở Trái Đất. Người ta phát hiện ra nó nhờ phân tích vật liệu ở phía Tây Panama và phía sau vòng cung núi lửa ở Costarica, nơi đầy vật liệu lớp phủ kỳ lạ, mà lại mang thành phần của lớp phủ tận dưới Galápagos chứ không phải vùng lớp phủ ngay bên dưới Panama.
Các nhà khoa học đã lập một mô hình và từ đó nhận thấy bên dưới Panama, một phần mảng kiến tạo Cocos bị chôn vùi đã không bị lớp phủ hành tinh nuốt mất, mà chỉ bị cong vênh, nứt vỡ, và cuối cùng tạo nên một khe hở hẹp, thành đường hầm cho vật liệu sâu bên dưới đi qua.
Theo Live Science, khe hở này có thể bắt nguồn từ một đứt gãy có sẵn của mảng Cocos, hoặc mới được tạo thành trong quá trình nó bị bóp méo khi chui xuống lòng đất.
Tuy nhiên thứ gì thúc đẩy vật liệu từ lớp phủ chui qua khe hở này để tìm đến vùng bên dưới Panama vẫn còn là bí ẩn. Sau khi di chuyển một đường chéo đến bên dưới Panama, vật liệu sâu tiếp tục được đưa lên bề mặt thông qua các quá trình địa chất và được con người phát hiện.
Bình luận (0)