Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm khoa học gia đến từ nhiều viện, trường, trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Nhật Bản và Mỹ như Viện Công nghệ Tokyo, Đài thiên văn Quốc gia Nhật Bản, NASA...
Được mệnh danh là K2-415b, thế giới mới cách chúng ta 72 năm ánh sáng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2017 bởi kính viễn vọng không gian Kepler, tuy nhiên đến nay các tính chất đặc biệt của nó mới được hé lộ.
Ảnh đồ họa mô tả một "Trái Đất khác" - Ảnh: NASA
Theo Sputnik, các nhà khoa học đã phân tích hình ảnh có độ phân giải cao và quang phổ cận hồng ngoại của K2-415b và nhận thấy nó phải là hành tinh đá như Trái Đất.
Hành tinh này có khối lượng từ 1,3 đến 5,7 khối lượng Trái Đất, với khả năng cao nhất là gấp 3 khối lượng Trái Đất. Nó là một trong những ngoại hành tinh nhỏ nhất từng được phát hiện ở các ngôi sao cách chúng ta hàng chục năm ánh sáng trở lên.
Kích thước này vẫn giúp nó nằm trong khoảng những hành tinh giống với Trái Đất và lọt vào danh sách những thế giới cần quan tâm trong hành trình đi tìm sự sống ngoài vũ trụ.
Nó quay khá gần ngôi sao mẹ, nhưng sao mẹ này là một sao lùn loại M, tức sao lùn đỏ, là loại sao thuộc dãy chính lạnh nhất, nhỏ nhất và nhiều nhất trong thiên hà Milky Way chứa Trái Đất. Ngôi sao K2-415 của hành tinh mới này chỉ có 16% khối lượng Mặt Trời của chúng ta.
"Các hành tinh nhỏ xung quanh sao lùn M là một phòng thí nghiệm tốt để khám phá sự đa dạng khí quyển của các hành tinh đá và các điều kiện mà một hành tinh đá có thể tồn tại" - các nhà khoa học cho biết.
Để tìm hiểu sâu hơn về hành tinh và khả năng sống của nó, các nhà khoa học sẽ cần tìm hiểu bầu khí quyển của nó, điều được kỳ vọng sẽ thực hiện được bằng kính viễn vọng không gian mạnh nhất hiện nay là James Webb của NASA/ESA/CSA (các cơ quan vũ trụ của Mỹ - châu Âu - Canada).
Nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên ArXiv và chờ bình duyệt để xuất bản chính thức trên tạp chí khoa học The Astronomical Journal.
Bình luận (0)