Theo SciTech Daily, nghiên cứu từ đầu thế kỷ XX của nhà thiên văn học Mỹ Edwin Hubble đã cho thấy có khoảng 1 nghìn tỉ thiên hà lang trong trong vũ trụ và chúng mang một số hình dạng cơ bản.
Hình ảnh 2D và 3D của thiên hà khổng lồ M87 - Ảnh: NASA/ESA/UC Berkeley
Ông đã dùng kính viễn vọng mạnh nhất thời đó để quan sát vũ trụ và phân loại các thiên hà thành các nhóm hình dạng khác nhau. Một số có dạng đĩa xoắn ốc như Milky Way (Ngân Hà), tức thiên hà chứa Trái Đất, một "quái vật" lớn trong thế giới thiên hà xoắn ốc.
Một dạng thiên hà phổ biến khác, có khả năng còn vĩ đại hơn, gọi là thiên hà hình elip, không phẳng mà gần như một quả bóng bằng bông. Thế nhưng hình dạng ba chiều của chúng vẫn là bí ẩn vì chúng ta chỉ có thể nhìn chúng từ xa.
Clip mô tả cấu trúc ngoạn mục của M87 - Ảnh: NASA/ESA/UC Berkeley
Một nhóm khoa học gia đến từ Trường Đại học California ở Berkeley (Mỹ) đã sử dụng Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA và Đài thiên văn WM Keck (đặt tại Hawaii - Mỹ) để lập bản đồ 3D của M87 và mô tả hình dáng nó giống... một củ khoai tây.
Họ cũng xác định được khối lượng của lỗ đen trung tâm ở lõi thiên hà, to đến 5,4 tỉ lần Mặt Trời, gần gấp đôi dự đoán trước đây thông qua ảnh 2D.
Với khối lượng thậm chí gấp 10 lần Ngân Hà khổng lồ của chúng ta "quái vật siêu cấp" này có thể là kết quả của rất nhiều vụ sáp nhập thiên hà; trong đó lỗ đen quái vật lớn không tưởng cũng là kết quả của nhiều lỗ đen trung tâm thiên hà hợp nhất.
Bình luận (0)