Vật thể là một tiểu hành tinh khổng lồ, chiều rộng đến 1 km, được đặt tên 1998 VF31. Nó đã được phát hiện cách đây 22 năm, tuy nhiên đến bây giờ, các phương tiện hiện đại mới cho phép xác định đó là một vật thể có kết cấu, thành phần hoàn toàn giống mặt trăng của Trái Đất.
Ảnh đồ họa mô tả tiểu hành tinh bí ẩn bay sau Sao Hỏa - Ảnh: SHUTTERSTOCK?JURIK PETER
Nhóm nghiên cứu từ Đài quan sát và cung thiên văn Armagh (AOP – Bắc Ireland, Mỹ) đã sử dụng các phương tiện tối tân từ Đài quan sát Sothern European (ESO) và Kính viễn vọng Very Large (đặt tại Chile) để nghiên cứu tiểu hành tinh đáng ngờ nói trên bằng cách đối chiếu quang phổ của vật thể với dữ liệu quang phổ của mặt trăng.
Từ kết quả nói trên, các tác giả tin rằng tiểu hành tinh đặc biệt này đã vỡ ra từ mặt trăng khoảng 4 tỉ năm trước. Nó trôi dạt trong không gian rồi mắc kẹt trong "điểm Lagrange" của Sao Hỏa. Điểm Lagrange là vị trí trong quỹ đạo của hành tinh nơi lực hấp dẫn từ hành tinh đó với Mặt Trời tác động cân bằng tuyệt đối. Những vật thể bị rơi vào vị trí này sẽ nằm ở một vị trí "tĩnh" so với hành tinh, cùng hành tinh đó quay quanh Mặt Trời ở một tư thế không thay đổi. Đó là lý do tiểu hành tinh này luôn ẩn nấp phía sau Sao Hỏa.
Để mảnh vỡ khổng lồ đó có thể tách ra và văng đến tận vị trí đó, mặt trăng của chúng ta đã phải chịu tác động từ một vật thể không gian khác đường kính tận 125 km, lao vào với tốc độ 10 km/giây!
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Icarus tiết lộ bước cuối cùng để xác định sự mối quan hệ của tiểu hành tinh này với mặt trăng là tìm trên mặt trăng một miệng hố va chạm tương ứng với bề rộng khoảng 974 km. Điều này có thể cần thêm thời gian bởi "mặt tối" của mặt trăng hiện vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Vệ tinh này bị "khóa" với Trái Đất, tức những gì chúng ta thấy bấy lâu vẫn chỉ là một nửa bề mặt mặt trăng.
Có nhiều bằng chứng cho thấy hệ Mặt Trời non trẻ đầy những cú va chạm tương tự. Có thể nói tiểu hành tinh vừa phát hiện cũng là một phần của Trái Đất. Bởi lẽ chính mặt trăng cũng là thiên thể vỡ ra từ Trái Đất với sự pha trộn của một "hành tinh Theia giả thuyết". Theia to bằng Sao Hỏa có thể đã đâm vào Trái Đất 4,5 tỉ năm trước, hợp nhất với Trái Đất. Những mảnh vỡ của cả 2 hành tinh bay vào quỹ đạo Trái Đất rồi tụ thành mặt trăng, theo rất nhiều bằng chứng mà giới khoa học hành tinh tìm được trong thời gian qua.
Bình luận (0)