Một bộ hàm kinh dị nằm lẫn trong thảm thực vật cổ đại được thu thập trên đảo Wright, miền nam nước Anh đã hé lộ một sinh vật kỷ Phấn Trắng chưa từng được biết đến trước đây.
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Portsmouth (Anh) đã đặt tên khoa học cho sinh vật là Wightia declivirostris. Nó mang hình hài một quái điểu, nhưng thực ra là bò sát! Wightia declivirostris thuộc nhóm sinh vật mang tên pterosaur, tức "dực long" hay "thằn lằn có cánh", cùng dòng máu với loài khủng long đi trên mặt đất, nhưng lại biết bay.
"Quái điểu" đảo Wright - ảnh đồ họa của Megan Jacobs, thành viên nhóm nghiên cứu
Trước đây, một số loài pterosaur khác từng được ghi nhận hiếm hoi ở Trung Quốc, Nam Mỹ, Bắc Phi và một số quốc gia khác ở Châu Âu, nhưng đây là lần đầu tiên một loài pterosaur xuất hiện ở Anh quốc.
Tuy hóa thạch tìm được lần này chỉ là một phần hàm, nhưng nó nằm trong tình trạng rất tốt. Kết hợp với hồ sơ từ các pterosaur khác trên thế giới, các nhà khoa học đã phục dựng được chân dung của nó.
Các phần hóa thạch được tìm thấy - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
"Quái điểu" sở hữu một chiếc mỏ rất nhọn chứa nhiều cơ quan cảm giác tinh vi để phát hiện thức ăn, phù hợp với hiểu biết về giống loài. Nếu như các loài khủng long ăn thịt khác gây kinh hoàng khắp mặt đất, thì pterosaur tạo ra một bầu trời không kém phần đe dọa. Điểm nổi trội nhất của nó là một chiếc mào lớn và rực rỡ, nhằm giúp chúng cạnh tranh trong vũ điệu kêu gọi bạn tình. Sải cánh của nó có thể lên đến 4 m, nhưng vẫn được coi là thằn lằn bay cỡ trung bình và nhỏ.
Theo giáo sư David Martill, một nhà cổ sinh vật học, thành viêm nhóm nghiên cứu, phát hiện này làm tăng thêm hiểu biết về thế giới cổ đại ở đảo Wright, vốn đã rất nổi tiếng vì những hóa thạch kỷ Phấn Trắng đa dạng khác.
Kỷ Phấn Trắng là thời đại hưng thịnh của giống loài khủng long, trước khi một thiên thạch khổng lồ đâm sầm vào trái đất vào cuối kỷ này, kết thúc thời đại "quái thú".
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Cretaceous Research.
Bình luận (0)