Nhóm khoa học gia tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) vừa công bố phát hiện về một hành tinh đáng ngạc nhiên được đặt tên là KELT-9b. Quan sát từ trái đất, nó thuộc chòm sao Thiên Nga Cygnus. Hành tinh này quay quanh ngôi sao trung tâm mang tên KELT-9 có nhiệt độ lên tới 4.327 độ C.
Quang cảnh trên "siêu sao Mộc" nóng bỏng KELT-9b - ảnh đồ họa của DENIS BAJRAM
Hành tinh này thuộc dạng mà khoa học thiên văn gọi là "siêu Sao Mộc”. KELT-9b là hành tinh khí có khối lượng gấp 3 và đường kính gấp 2 lần Sao Mộc. Nó còn là hành tinh nóng nhất mà con người từng phát hiện với nhiệt độ lên đến 1.700 độ C, tuy chỉ gần 1/3 mặt trời nhưng lại nóng hơn rất nhiều ngôi sao khác. Nhiệt độ này gần gấp 4 lần Sao Kim – hành tinh nóng nhất hệ mặt trời của chúng ta với nhiệt độ trung bình 462 độ C.
"Nó có nhiều điểm giống với một ngôi sao mặc dù nó hoàn toàn là một hành tinh" – Kevin heng, một nhà vật lý thiên văn, thành viên nhóm nghiên cứu, nói với Space.
Siêu Sao Mộc (màu đỏ) bên vật thể lớn hơn là ngôi sao trung tâm - ảnh: NASA
Nhiệt độ kỷ lục này cho phép các nhà khoa học phát hiện được sắt và titan trong khí quyển của KELT-9b. Và cũng vì nhiệt độ này, những đám mây trên hành tinh này không thể ngưng tụ nổi, giúp các nguyên tử sắt và titan tồn tại ở một dạng vô cùng đặc biệt: từng nguyên tử đơn độc lơ lửng trong không khí.
Điều này củng cố thêm lý thuyết trước đó cho rằng sắt và titan có thể rất phổ biến trong vũ trụ. Trước KELT-9b, một hành tinh ngoài hệ mặt trời có tên Kepler-13A cũng sở hữu titanium dioxide (mỗi phần tử gồm 1 phân tử titan và 2 nguyên tử oxy).
Ảnh đồ họa cách mà "siêu Sao Mộc" quay quanh ngôi sao trung tâm - ảnh: DAILY MAIL
Nghiên cứu nói trên được thực hiện thông qua các dữ liệu thu thập được nhờ Kính viễn vọng Quốc gia Galileo ở Tây Ban Nha.
Một nhóm nghiên cứu khác đến từ Viện Thiên văn học Max Planck (Đức) cũng tìm hiểu về khí quyển của KELT-9b và phát hiện ra rằng nó chứa khá nhiều hydro trong tình trạng sôi sục. Chính hydro sôi sục đã góp phần đẩy các nguyên tử kim loại nặng bay cao và lơ lửng trong bầu khí quyển. Nghiên cứu của Max Planck cũng vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.
Bình luận (0)