3 loài Pterosaurs mới với đôi cánh vĩ đại hơn đại bàng và hàm răng đáng sợ đã được các nhà cổ sinh vật học từ Đại học Baylor (Texas, Mỹ) xác định từ những mẫu vật mà một số người khai thác hóa thạch đã tìm thấy tại ngôi làng nhỏ tên Beggaa, phía Đông Nam Morocco. Những hóa thạch ban đầu do người khai thác nghiệp dư cung cấp chỉ bao gồm răng, nhưng công việc đào bới tiếp theo đã giúp họ có được bộ xương gần hoàn chỉnh crua các con vật.
Chân dung một loài Pterosaurs đặc trưng của sa mạc Sahara cổ đại, khi còn là thế giới sông nước - ảnh đồ họa bởi Megan L. Jacobs
Chúng trông rất giống những con chim khổng lồ nhưng không phải là chim. Pterosaurs, tức thằn lằn có cánh hay dực long, là tên gọi chung các loài bò sát biết bay trong bộ Pterosauria, sống từ kỷ Tam Điệp muộn đến kỷ Phấn Trắng (210-66 triệu năm trước).
Các loài Pterosaurs lần này có sải cánh dài tới 4m và bay cao hơn mọi sinh vật khác thuộc hệ sinh thái sông ở Sahara, thống trị bầu trời nơi đây. Chúng dùng đôi cánh dài để vớt cá, sau đó dùng bộ răng lớn và nhọn để giữ lấy. Ngoài các Pterosaurs, hệ sinh thái này còn là bức tranh tương phản với Sahara khô cằn ngày nay, với những dòng sông đầy ắp cá, cá sấu, rùa và khủng long săn mồi.
Tác giả chính Megan L. Jacobs cho biết hài cốt các Pterosaurs rất hiếm, chủ yếu chỉ xuất hiện ở châu Âu, Nam Mỹ và châu Á. Dấu vết của chúng ở sa mạc Sahara thuộc châu Phi là một phát hiện mới thú vị, có thể mở đường cho các khám phá về một thế giới thằn lằn bay hết sức mới mẻ của châu lục này.
Đặc điểm đáng chú ý nhất của những Pterosaurs này là đôi cánh khác biệt với các Pterosaurs ở những châu lục khác: có xương mỏng như giấy, rất giống chim! Điều này cho phép chúng đạt được kích thước khổng lồ đến kinh ngạc nhưng vẫn có thể tự do bay lượn. Có khả năng chúng đã bay tìm kiếm thức ăn xuyên châu lục, giữa Nam Mỹ và châu Phi.
Bình luận (0)