Sử dụng siêu kính viễn vọng ALMA đặt tại sa mạc Atacama của Chile, nhóm khoa học gia từ Đài thiên văn Nam Âu (ESO), Đại học Herdfordshire (Anh) và một viện trường khác đã phát hiện ra sự hiện diện của flo (fluorine) - thứ tạo nên xương và răng của chúng ta dưới dạng florua - trong một thiên hà cổ đại, tờ SciTech Daily cho biết.
Hình ảnh ngoạn mục về thiên hà hình thành sao cổ đại - Ảnh: ESO/L. Calçada
Nguyên tố flo tồn tại dưới dạng hydro florua trong thiên hà NGP–190387, một vật thể tồn tại vào 12 tỉ năm trước, khi vũ trụ của chúng ta chỉ mới hơn 1 tỉ năm tuổi. Do cách xa tới 12 tỉ năm ánh sáng nên hình ảnh về thiên hà này cũng mất chừng đó thời gian để "xuyên không" đến Trái Đất và được đài thiên văn thu lấy.
Theo tiến sĩ Maximilien Franco từ Đại học Herdfordshire, nguồn gốc của flo phải là những ngôi sao, khi chúng chết và nổ tung, giải phóng flo và nhiều nguyên tố đặc biệt khác từ lõi. Nhưng do flo được phát hiện trong một thiên hà chỉ mới nhiều lắm là 1,4 tỉ tuổi, đó phải là dạng sao có vòng đời ngắn, sinh ra và chết nhanh chóng.
Do vậy, nguồn gốc khả dĩ nhất là các ngôi sao Wolf-Rayet, dạng sao khổng lồ bậc nhất vũ trụ nhưng chỉ "sống" khoảng vài triệu tuổi - một phần nhỏ so với tuổi đời của Mặt Trời. Thiên hà này có thể từng dày đặc các ngôi sao dạng này bởi mức flo ở đây tương đương với thế giới trong Milky Way - thiên hà chứa Trái Đất.
Khám phá về NGP–190387 đánh dấu một trong các phát hiện đầu tiên về flo ngoài dải ngân hà, cho thấy nhiều thứ tạo nên thế giới của chúng ta - và cả chúng ta - thực ra đã được rèn từ buổi bình minh vũ trụ, trong những thiên hà cổ đại mà có thể đến nay đã không còn tồn tại.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.
Bình luận (0)