Theo tờ Space, PhilSA vừa khyến nghị "các biện pháp phòng ngừa liên quan đến các mảnh vỡ dự kiến không cháy từ tên lửa Trường Chinh 3B".
Trường Chinh 3B tức Long March 3B của Trung Quốc vừa được phóng hôm 29-12, mang theo vệ tinh Shiyan-10 02 lên quỹ đạo.
Cận cảnh tên lửa mang vệ tinh Trường Chinh 3B của Trung Quốc rời Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương (tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc) hôm 29-12 - Ảnh: CAST
Thông thường một phần thân của tên lửa phóng sẽ quay lại Trái Đất, một phần bốc cháy trong bầu khí quyển, phần còn lại rơi xuống mặt đất hoặc biển.
Các tên lửa của Mỹ và một số nước khác thường được thiết lập để điều hướng cho phần không cháy hết này rơi xuống vùng không nguy hiểm, ví dụ các vùng đại dương không có tuyến đường biển hay đường bay cắt ngang. Tuy nhiên Mỹ nhiều lần cáo buộc các tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc không có thiết lập này nên phần còn lại hay bị "rơi tự do".
PhilSA tính toán khu vực mà mảnh tên lửa Trường Chinh 3B sẽ rơi ngược lại rất có thể là vùng biển lân cận bờ của Bãi Cỏ Rong, một bãi núi ngầm nằm ở phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa (Việt Nam).
Khu vực rơi dự kiến này không nằm ở nơi có người sinh sống nhưng có thể mang lại rủi ro tiềm ẩn cho các máy bay, tàu thuyền bao gồm các tàu cá đi qua khu vực.
Ngoài ra diện tích khu vực mà mảnh tên lửa dự tính rơi có thể thay đổi do nhiều yếu tố khác nhau như vòng quanh Trái Đất, điều kiện thời tiết và khí hậu.
Ngoài ra các mảnh vỡ có thể dạt về phía các bờ biển của các nước xung quanh. PhilSA cảnh báo công chúng không được lấy hoặc tiếp xúc gần các mảnh vỡ nghi ngờ là từ vụ phóng này, bởi chúng có thể chứa tàn dư của các chất độc hại như nhiên liệu của tên lửa.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!