Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi giáo sư David Martill của Đại học Portsmouth (Anh) đã khai quật được một mảnh hóa thạch hàng chục triệu tuổi kỳ dị, ban đầu được cho là vây gai của một con cá lớn. Tuy nhiên kết quả phân tích cho thấy kết cấu bất thường của xương: đó phải là mảnh mỏ của một con vật.
Ảnh đồ họa mô tả "quái thú" như lai giữa nhiều động vật khác nhau - Ảnh: MEGAN JACOBS/ĐẠI HỌC PORTSMOUTH
Hóa thạch kỳ lạ đã giúp nhóm cổ sinh vật học tái hiện lại một "quái thú" với chiếc đầu mang mỏ dài không răng giống một con cò hay một con chim kiwi ngày nay. Nhưng nó hoàn toàn không phải chim mà là… bò sát: một thành viên chưa từng được biết đến của pterosaur – dực long, có thể hiểu nôm na là một nhóm khủng long biết bay sống vào cuối kỷ Phấn Trắng, còn gọi là "thằn lằn có cánh".
"Quái thú" được đặt tên là Leptostomia begaaensis, có màu nâu nhạt trong ảnh đồ họa. Nó sở hữu một chiếc đầu như đầu cò với mỏ dài, thân hình giống như những con khủng long mảnh dẻ, kèm theo đôi cánh có màng như cánh của loài dơi ngày nay. Các dực long khác cũng mang loại cánh này.
Leptostomia begaaensis chỉ lớn cỡ một con gà tây ngày nay và thức ăn yêu thích là các loài cá, côn trùng giáp xác và các loài ốc có vỏ cứng cổ đại, thứ mà cò hay kiwi ngày nay hay dùng chiếc mỏ cứng và dài để bắt và ăn.
Theo giáo sư Martill, lý do họ tái hiện lại "quái thú" dễ dàng là vì các mảnh hóa thạch của loài này đã được phát hiện trong nhiều năm, nhưng người ta không biết nó là gì. Hóa thạch mới đã giúp ráp nối tất cả thành sinh vật hoàn chỉnh.
Họ hàng dực long của "quái thú" này rất đa dạng, loài nhỏ nhất chỉ như chim sẻ, loài lớn nhất cao nhiều mét và săn được cả khủng long.
Bình luận (0)