Nhóm khoa học gia từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và Đại học Trent (Canada) đã phân tích DNA từ hộp sọ của một "quái vật biển" kỳ lạ được lưu trữ từ 2 thập kỷ trước tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch, sau khi mua từ một thợ săn đại dương ở Tây Greenland năm 1990.
Hộp sọ của "quái vật biển" - ảnh: Bảo tàng lịch sử tự nhiên Đan Mạch
Từ khi nằm ở đó, sinh vật này từng gây nhiều khó hiểu với những người quan sát bởi trông nó không giống với bất kỳ loài vật nào từng được biết đến trên trái đất. Một số nhà khoa học đã nghi ngờ nó có thể là đứa con lai dị hình của 2 sinh vật biển quen thuộc nào đó.
Kết quả mới thậm chí còn gây sốc hơn: cha và mẹ của "quái vật biển" thuộc về 2 loài hoàn toàn khác nhau. Cha nó là một cá voi Beluga (cá voi trắng); trong khi mẹ nó là kỳ lân biển. Tuy 2 loài này cùng thuộc họ Monodontidae, phân bộ Cá voi có răng nhưng việc lai khác loài như vậy là rất hiếm gặp.
Cá voi Beluga, còn gọi là cá voi trắng, một sinh vật biển thân thiện với con người và là đồng loại của cha "quái vật" - ảnh: Smithsonian Magazine
Kỳ lân biển - ảnh: SHUTTERSTOCK
Để đi đến kết quả này, các nhà khoa học đã phải phân tích cực kỳ chi tiết DNA của "quái vật", sau đó so sánh mẫu DNA này với DNA của 8 con cá voi và 8 con kỳ lân biển đang sinh sống trong khu vực nơi trước đây hộp sọ được tìm thấy.
Bằng cách so sánh tỉ lệ số lượng nhiễm sắc thể X với tổng số lượng nhiễm sắc thể, hoặc nhiễm sắc thể phi giới tính trong DNA của con lai, các nhà khoa học phát hiện ra con lai này là một con đực. Còn bộ gene ti thể trong hộp sọ - vốn thừa hưởng từ mẹ nó – đã chỉ ra bằng chứng bà mẹ này là một kỳ lân biển cái và từng giao phối với một cá voi đực.
Hình ảnh phục dựng về "quái vật" con lai khi còn sống - ảnh: Markus Bühler
Hình mô phỏng đáng yêu về cặp đôi dị chủng đã yêu nhau và sinh ra sinh vật kỳ lạ nhiều thập kỷ trước - ảnh: A. Thorburn
Quái vật biển kỳ thú này nhận được 54% gene cá voi từ cha và 46% gene kỳ lân từ mẹ. Các phân tích khác cho thấy khi còn sống, quái vật này có thể có màu xám, sở hữu một cái đuôi giống kỳ lân nhưng vây trước lại giống cá voi. Nó cũng có chế độ ăn khác biệt so với cha mẹ và sống gần đáy biển hơn so với cả cá voi và kỳ lân biển.
Các nhà khoa học đã đặt tên cho "quái vật" là Narwhluga, ghép giữa tên cha Beluga và tên mẹ Narwhal (kỳ lân biển).
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports.
Bình luận (0)