Theo Sciece Alert, các di tích ma quái, không thể nhìn thấy bằng mắt thường này là những khu phức hợp nghi lễ phức tạp, khổng lồ ẩn mình trong những khu vực vắng vẻ thuộc miền Nam Mexico, ở những nơi trông như cánh đồng hay khoảng rừng thưa "vô tội".
Hình ảnh ngoạn mục được hé lộ nhờ LIDAR - Ảnh: Takeshi Inomata
Năm ngoái, các nhà khảo cổ đã tìm thấy Aguada Fénix, là cấu trúc lớn nhất (chiều dài 1.400 mét) và được coi là di tích lâu đời nhất của người Maya. Nhưng các dấu hiệu quanh đó cho thấy Aguada Fénix không đơn độc. Aguada Fénix được sử dụng như một địa điểm nghi lễ của lớp người đầu tiên tạo lập nên đế chế Maya, và 478 cấu trúc xung quanh đó cũng vậy.
Theo nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà nhân chủng học Takeshi Inomata từ Đại học Arizona, khu phức hợp tôn giáo này trải rộng trong một khu vực lên đến 85.000 km vuông. Các cấu trúc nằm rải rác và rơi vào địa phận của bang Tabasco và Veracruz ngày nay.
Điều bất thường thú vị nhất là họ nhận thấy nhiều cấu trúc rõ ràng là của người Maya, những lại mang dấu ấn của thành phố của người Olmec cổ đại mang tên San Lorenzo, có niên đại khoảng năm 1150 trước Công Nguyên.
Các cấu trúc dựa trên khung chữ nhật lớn, có nhiều nét tương đồng với thành cổ Olmec - Ảnh: Takeshi Inomata
Sự tương đồng này cho thấy hàng trăm "bóng ma" vừa được phát hiện chính là cụm kiến trúc giao thời giữa văn minh Olmec (năm 2000 trước Công Nguyên đến 250 sau Công Nguyên) và văn minh Maya (năm 250-900 sau Công Nguyên). Thậm chí nhiều kiến trúc cho thấy 2 nền văn minh đã có một giai đoạn đan xen phức tạp.
Một số địa điểm nghi lễ được định hướng để phù hợp với hướng mặt trời mọc vào những ngày nhất định trong lịch Mesoamercan mà người Maya sử dụng, gợi ý rằng các nghi lễ liên quan đến các khái niệm vũ trụ và sự chuyển động của các mùa. Trong khi một số cấu trúc cho thấy đó là không gian công cộng nơi mọi người gặp gỡ vào các ngày đặc biệt, xem các đám rước.
Phát hiện mới này được cho là có thể giải đáp bí ẩn về giả thuyết đã có từ lâu, rằng nền văn minh Maya đã được xây dựng trên nền tảng văn minh Olmec.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Human Behavior
Bình luận (0)