Các "vật thể lạ" được tìm thấy đều là núi lửa dưới đáy biển, có cái cao đến 1.100 m nhưng ngay cả các cuộc khảo sát bằng sonar (kỹ thuật thám sát sử dụng sóng âm) trước đó đều hoàn toàn "mù" trước chúng.
Một cuộc điều tra sonar vào năm 2011 đã lập bản đồ được hơn 24.000 ngọn núi dưới đáy các đại dương, được hình thành bởi hoạt động núi lửa. Tuy nhiên các nhà khoa học tin rằng đó vẫn chỉ là một phần nhỏ của thế giới núi lửa ẩn mình này.
Một trong các núi lửa ngầm vừa được phát hiện, được khảo sát chi tiết thêm bằng kỹ thuật sonar - Ảnh: NOAA
Vì vậy, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã quyết định huy động một loạt các vệ tinh có khả năng quan sát Trái Đất tốt, bao gồm chiến binh mạnh mẽ CryoSat-2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Các vệ tinh với radar cực mạnh không đo được chiều cao của các cấu trúc đại dương mà còn có khả năng nhìn thấy nhiều chi tiết ẩn giấu khác ở độ sâu hàng ngàn mét, nơi đại dương đen như mực, mang lại nhiều ưu thế hơn sonar trong việc thể hiện địa hình đáy biển.
Theo nghiên cứu vừa công bố trên Science, cuộc nghiên cứu đã giúp tìm ra cả những núi lửa nhỏ có chiều cao chỉ xấp xỉ 370 m.
Họ đã lập bản đồ một bộ sưu tập các đường nối kỳ lạ ở phía Đông Bắc Đại Tây Dương, có thể giải thích sự tiến hóa của một chùm manti từ lớp phủ nóng bỏng bên dưới vỏ hành tinh, cung cấp năng lượng cho hơn 100 ngọn núi lửa ở Iceland.
Nhiều khu vực khác cũng được khảo sát tương tự và kết quả cuối cùng là một kho dữ liệu gây sốc với 19.000 ngọn núi lửa ngầm chưa từng biết, rải rác trên các đại dương khắp Trái Đất.
Cuộc nghiên cứu cũng cung cấp thêm nhiều dữ liệu quan trọng về các dòng hải lưu và các chi tiết khác của đại dương, vốn liên quan mật thiết đến các chu trình khác của Trái Đất, tác động mạnh mẽ lên sự sống của chúng ta và muôn loài.
Bình luận (0)