Các tác giả từ Đại học Bang Ohio (Mỹ) cho rằng vật chất tối được cấu tạo từ các hạt riêng lẻ và các hạt này đôi khi có thể va vào các hành tinh khổng lồ, để rồi chui tọt vào sâu bên trong hành tinh, tích tụ và liên tục va đập vào nhau, phá hủy lẫn nhau và sinh ra nhiệt.
Các hành tinh khí khổng lồ "mồ côi" hay các sao lùn nâu có thể chứa đầy vật chất tối đang tự hủy diệt trong "trái tim" - Ảnh: SPACE
Nói với Live Science, nhà vật lý thiên văn Juri Smirnov, một trong các tác giả, cho biết quá trình tự hủy diệt của vật chất tối ẩn nấp trong "trái tim" các hành tinh khí khổng lồ có thể được phát hiện bằng cách xem xét sự nóng bất thường của các hành tinh lạnh.
Theo bài công bố trên Physical Review Letters, đầu tiên, chúng ta cần tìm những hành tinh già cỗi bị hất văng khỏi hệ sao của chính nó nên không còn được sưởi ấm; hoặc những "ngôi sao thất bại" thấp hơn sao nhưng cao cấp hơn hành tinh, gọi là sao lùn nâu.
Tiếp theo, cần phân loại hành tinh nào trong số đó có vật chất tối bên trong bằng cách ghi nhận sự phát sáng hồng ngoại. Với việc không được sưởi ấm và không có phản ứng nhiệt hạch để tự tỏa nhiệt, các thiên thể này cần có một cái gì đó khác để sinh ra bức xạ hồng ngoại.
Nghiên cứu nhằm cung cấp một nhiệm vụ dự tính cho kính viễn vọng không gian James Webb tối tân mà NASA dự định sẽ phóng vào tháng 10 năm nay.
Vật chất tối được cho là chiếm ít nhất 1/6 vật chất trong vũ trụ, nhưng vô cùng ma quái, bí ẩn và vô hình. Tuy nhiên đã nhiều lần các nhà thiên văn đã "nhìn" thấy nó thông qua các tương tác của nó lên vật thể khác xung quanh, giống như cách các bóng ma xô đẩy ngoại vật trong phim giả tưởng.
Bình luận (0)