Nghiên cứu phối hợp giữa Đại học Cambridge, Đại học Essex (Anh), Đại học Tây Úc và Viện Công nghệ Tokyo (Nhật) vừa công bố trên tạp chí khoa học Palateontology đã hé lộ chân dung 2 sinh vật lạ sống giữa thời đại hoàng kim của loài khủng long – cuối kỷ Phấn Trắng. 2 "quái vật" nhỏ này sống ở các đại dương, cơ thể mang một dạng cấu trúc như ngoài hành tinh, giống như những quả bóng.
Cấu trúc quả bóng đặc biệt vững chắc xuất hiện trên cơ thể các sinh vật lạ - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Các "quái vật" được xác định là 2 loài huệ biển (crinoids) cổ đại, sinh vật khá xinh đẹp của đại dương, còn được gọi là hoa loa kèn biển hoặc sao lông vũ. Chúng thuộc một nhóm động vật không xương sống đặc trưng của biển khơi là echinoderms. Nhóm này bao gồm cả sao biển, nhím biển, hải sâm…
Những cá thể cổ đại của dòng họ huệ biển đã xuất hiện trên trái đất từ kỷ Cambri (từ 541 triệu năm đến 485 triệu năm trước), ngày càng đông đúc và lan rộng khắp trái đất.
Theo tiến sĩ Aaron Hunter từ Trường Khoa học trái đất (Đại học Tây Úc) và Khoa Khoa học trái đất của Đại học Cambridge, một trong các tác giả chính, đại dương thời cổ đại là một nơi rất nguy hiểm, với môi trường không thuận loại và đầy kẻ săn mồi. Các cấu trúc hình quả bóng đã xuất hiện với mục đích bảo vệ con vật khỏi đại dương thù địch.
Một trong 2 hóa thạch kỳ lạ được tìm thấy trong đá phấn - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Mang kết cấu như những phức hợp fullerene của phân tử carbon hiện diện hiếm hoi trong một số khoáng sản, cấu trúc này cực kỳ vững chắc, có thể chịu được áp lực lớn. Ngoài ra nó còn mang đặc điểm của các buồng nổi, giúp sinh vật mang nó trở nên chắc chắn và linh hoạt hơn như một chiếc tàu ngầm.
Theo các tác giả, đây là lần đầu tiên họ tìm thấy dạng hóa thạch sinh vật sống chứa cấu trúc cơ thể kỳ lạ đến vậy. 2 sinh vật lạ được đặt tên là Marsupites testudinarius và Uintacrinus socialis, đều có tuổi đời khoảng 80 triệu năm. Bà con của chúng xuất hiện trong đá phấn ở nhiều nơi, đặc biệt là Mỹ và Úc.
Bình luận (0)